Old school Easter eggs.
Bức hoạ không nét vẽ

Bức hoạ không nét vẽ

Tác giả: Sưu Tầm

Bức hoạ không nét vẽ

Lòng người có những khoảng lặng, vui chẳng được mấy chốc mà sao buồn thì cứ dài mãi...


***


Dạo này đi làm về tôi hay vất balo lên ghế rồi lang thang ra đầu ngõ ngồi làm cốc trà đá. Một phần vì muồn xả stress, suốt ngày ngồi gõ gạc bàn phím fix lỗi, rồi thì 2 cái điện thoại ốp vào 2 tai hỗ trợ, đỏ lừ, ngày nào cũng như ngày nào. Một phần vì ở đó có cạ buôn dưa lê bán dưa cà rất vui, mặc dù chênh lệch nhau khá nhiều tuổi.


Bức hoạ không nét vẽ


Đó là một ông lão gần 80 tuổi, gần nhà tôi trọ, tên Cẩn. Lão cũng già lắm rồi, tóc bạc phơ, hói, còn vài sợi mé thái dương, mặt nhăn hơn cả táo tàu chưa sắc. Tay chân lão cũng chẳng khá hơn. Cơ mà được cái lão vui tính cực, lúc nào cũng cười được. Cứ ra quán nước ấy tầm 6 rưỡi tối là lại gặp lão, rất đều đặn, chỉ trừ lúc ốm đau bệnh tật. Hai ông cháu hay truyện trò tếu táo. Lão cũng hơi nặng tai, nói phải nói to cơ lão mới nghe thấy rõ, có lần tôi hỏi lão:


- Chẳng hay sắp 80, ông có mừng thượng thọ ko thế?


Lão cười cười đáp:


- Tao còn sống được mấy nữa, chúng mày nếu muốn đến viếng thì viếng trước đi, đưa luôn phong bì đây tao nhận còn tiêu chứ tao lăn ra đấy đến viếng thì tao cần đếch gì nữa, có tiêu được đâu.


Đấy, hiểu nhầm mười thành tịt chỉ vì nặng tai. Thật là tai hại. Mà lão nói cũng đúng, lúc sống thì chẳng ai nuôi, lúc chết mới bâu vào, đám ma đưa ruồi. Ích gì. Nhề!


Lão đang sống 1 mình, nhà rộng nên lão cho thuê lại 2-3 phòng gì đấy, gọi là cũng đủ tiền tiêu cho mình lão, ăn uống rồi bắn thuốc lào thoả thích. Lão bảo lão cũng chỉ cần có thế, già lắm rồi, còn mong chờ gì đâu. Nhiều khi lão thở dài hướng cái nhìn ra phía xa, tôi biết lão buồn. Những người già thường như vậy, nhiều suy nghĩ và trăn trở. Hôm nay tôi đến, thấy lão có vẻ trầm tư, tôi kê ghế lại ngồi cùng cho vui. Sau vài câu hỏi linh tinh tôi mới biết hôm nay là ngày giỗ thằng cả, con lão. Haizzz...Lá vàng chưa đổ mà lá xanh rụng rồi...


Lão kể cuối những năm 70 hồi nhà còn nghèo đói, bữa cơm ăn chạy từng bữa ko đủ, thằng con cả theo bạn bè rủ rê vượt biên sang Thái Lan để thoát ly, nghe đâu sang đó dễ kiếm tiền và cuộc sống thoải mái lắm, nào ngờ chưa sang đến nơi thì bị cướp, rồi bắn chết châm lửa đốt cả tàu ko tìm thấy xác.


Vợ lão vì đau buồn mà lâm bệnh, đêm nào cũng lay vai lão dậy bảo lão dìu ra đầu ngõ để đón con, con nó đang gọi. Lão buồn, dậy ra ngoài lép sau cánh cửa ngồi khóc. Lão đạp xích lô ban ngày, rồi tối vào xưởng nhuộm để làm thêm đến gần nửa đêm mới về nhà mà vẫn không đủ tiền chữa bệnh cho vợ lão và nuôi 2 đứa con. Thằng con trai thứ thì hư, suốt ngày chơi bời, bỏ học theo đám thanh niên đàn đúm suốt ngày, đến năm nó 20 tuổi thì bỏ vào nam theo cái bọn ấy, lão cản không được, lần thứ 2 lão khóc, thấy mình bất lực, thấy cuộc đời sao khó khăn với lão quá. Vợ lão lúc ấy bệnh trở ngày càng nặng hơn, sốt, lên cơn co giật hàng ngày.


Rồi chuyện gì đến cũng đến, vợ lão sau trận sốt miên man 3 ngày liền thì mất. Hôm ấy trời mưa to lắm, lão đầu trần vội vã đạp xích lô đến trạm xá gọi người, nhưng lúc về đến nơi thì thấy con út nó khóc nấc lên trong nhà. Lão biết là không còn kịp nữa, đến gần bên giường môi mím chặt vào đưa 2 tay run run xoa lên má vợ. Đời người thật ngắn ngủi, niềm vui chẳng tày gang. Lão xoa vai con bé rồi lững thững ra tựa cửa ngồi, người như vô hồn, chẳng khóc nổi. Nghe đến cái đoạn này sao tự nhiên trời lại trở gió, làm mắt tôi cay hết cả...


Những năm tháng ấy khuất dần, chiến tranh biên giới với Trung Quốc cũng tan, lão bị viêm khớp gối không đạp nổi xích lô nữa. Lão mở quán nước rồi tạp hoá buôn bán đủ các thứ. Cái quán tuy nhỏ cũng đủ nuôi sống lão với con út. Được cái con út cũng ngoan, thương bố và rất chăm chỉ học. Nó học giỏi lắm, toàn đứng nhất lớp. Cuộc sống dần dễ thở hơn với gia đình lão. Rồi cũng đến lúc con út tốt nghiệp, nó thi đỗ đại học điểm cao, được cử đi Nga học 5 năm. Lão mừng lắm không giấu nổi, lần thứ 3 mắt lão sụt sùi nhỏ từng giọt lên vạt tay áo. Nhưng nó khác hẳn với những lần trước, lần này lão khóc vì vui, khóc vì niềm hạnh phúc và tự hào. Lão nghĩ cuộc đời đã không bất công với lão.


Hôm trước tiễn con bé lên máy bay, lão dốc sạch tiền dành dụm được mua quần áo và nhét vào vali cho nó. Lão ko nhớ là đã nhét được bao nhiêu gói lương khô nữa, chỉ sợ con bé sang đó lại đói. Con bé thì lầm dầm bảo lão toàn lo không đâu, nhà nước người ta nuôi hết rồi, vừa nói nó vừa nhặt để ra ngoài. Lão cười xuề xoà rồi bế cái điếu ra cửa châm đóm rít. Lão chợt nhớ thằng thứ quá, không biết giờ nó thế nào, lâu chẳng thấy có tin về. Lão lo...


Một hai năm sau đó thấy thằng thứ nó về, dắt theo cả vợ con. Nhìn thấy con trưởng thành và chín chắn hơn, lão vui lắm, tay cứ xoa xoa 2 đầu gối, mắt không rời khỏi đứa cháu kháu khỉnh. Thằng bé thì lấm lét, bám chặt lấy chân mẹ như sợ lão đụng vào. Chắc nó sợ cái khuôn mặt nhăn nhúm, sợ đôi bàn tay nứt nẻ sạm màu của lão. Haizzz... Thằng thứ ngồi xuống đối diện với lão. Nó nói lần này về để từ biệt lão, vợ chồng nó sang Séc định cư. Lão ngồi người cứng như khúc gỗ, không nhấc nổi chân lên khỏi ghế. Thắp nén nhang cho bà lão xong nó dẫn vợ con đi luôn trong chiều, chẳng kịp ở lại ăn lấy nổi bữa cơm với lão.


Lão khựng lại một lúc lâu không kể nữa, mặt đăm chiêu theo làn khói nhả. Lão cầm điếu lên rít liên tục một mạch hết nửa gói thuốc. Gió mùa đông bắc về, chân tay lão lại nhức quá, chắc lão đau nên 1 lúc lại cầm cái điều cày lên, cũng có thể lão thấy cuộc đời trống rỗng quá, chẳng có gì làm bạn và thân thiết với lão ngoài mấy bi thuốc lào. Đoạn lão đưa miệng hứng hớp nước chè, chép miệng.


Ngày con út tốt nghiệp về nước, lão ra sân bay đón mà 2 bố con mãi mới nhận ra nhau, con bé khác quá, điệu đà hơn, xinh hơn rất nhiều. Nó bảo lão khác quá, già hơn quá nhiều so với trước, nó ôm lão 1 lúc lâu mới buông ra. Rồi nó giới thiệu bạn, 1 anh chàng người Nga cao lớn, chỉ biết nói duy nhất 1 câu tiếng việt :"Chào bác, bác có được khỏe ko?" Lão cười trả lời :"Bác khoẻ, chào cháu" nó không hiểu cứ gãi đầu nhìn con út cầu cứu. Lâu lắm rồi lão mới thấy vui như thế.


Chừng nửa tháng con bé ngồi khoác tay người bạn Nga bảo với lão là có chuyện muốn nói, lão cười cười cầm cái điếu cày châm đóm như mọi khi. Lão có linh cảm có chuyện gì đó không ổn. Lão sợ cái điều mà lão đang nghĩ. Chần chừ 1 lúc, con bé nói nó sẽ kết hôn và sang Nga sống với anh chàng kia. Lão không nói gì, vác điếu cày ra cửa ngồi, rít rồi nhả cả đám khỏi ra bầu trời... Mịt mờ như bên trong cái đầu lão bây giờ. Lão chẳng biết phải làm sao, nhưng lão biết mình chẳng thể ngăn cản hạnh phúc của con bé được...


Lão thở dài, xong cười nhạt, lão lúc nào cũng thế, quanh năm suốt tháng chỉ có cái điệu cười ấy. Dường như lão lấy nó để che dấu đi mình, che dấu đi cái khoảng trống vô tận kia đang lấp hết trong lòng. Lão đặt cốc nước xuống ghế. Kể tiếp câu chuyện còn dang dở.


Cũng đã mấy năm rồi ko thấy đứa nào về, chỉ thỉnh thoảng có điện thoại, con bé gọi về buôn với lão vài câu vội vã. Chúng nó gửi tiền về cho lão xây nhà, hàng xóm cứ bảo lão sướng, số lão may mắn cuối đời được hưởng thụ. Nhưng không biết được cái mà lão muốn là điều gì. Lão lo, lo lúc mình về với đất chỉ có một mình. Sung sướng ư, may mắn ư? Có ai cần không lão sẽ nhường tất!!!


Tôi nhìn lão mà cũng buồn lây, bảo lão cho mượn cái điếu cày làm hơi cho thay đổi không khí. Càng buồn hơn, tôi rít 1 bi tụt cả hơi, mặt xanh lè ho sặc sụa. Lão vỗ lưng tôi cười ha hả.


- Mày chưa đến tuổi dùng cái này đâu con ạ, đừng nóng vội, đốt cháy giai đoạn, chả ngon được đâu.


Chắc lão nói đúng, hoặc có thể sai, nhưng cái cách cầm điếu, cái cách lão rít thuốc khác hẳn với những người tôi từng gặp. Lão rít vào thật sâu, tu hớp nước chè rồi mới nhả ra từng đợt, như kiểu lão muốn nuốt tất cả mọi đắng cay vào bên trong vậy, lão không muốn nó thoát ra ngoài, hay đúng hơn là lão muốn nén nó vào tận ruột gan mình cho bớt lạnh lẽo...


Lòng người có những khoảng lặng, vui chẳng được mấy chốc mà sao buồn thì cứ dài mãi...Có người nói cuộc sống như một bức tranh ta tự vẽ nấy, nhưng tôi thì thấy nó ko đúng, có những gam màu, có những nét nguệch ngoạc chen ngang của tạo hoá. Có chăng thì lòng người tự điều chỉnh mà thích nghi với những nét ấy mà thôi. Có người có bức tranh màu tươi vui, có người màu đậm, nhạt mà cũng có người màu buồn, màu mà chẳng bút nào vẽ ra được...


Đậu Thối

2hi.us