Polly po-cket
Truyện Teen Ngắn - Gửi Nàng Elise

Truyện Teen Ngắn - Gửi Nàng Elise

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Teen Ngắn - Gửi Nàng Elise

Gửi Nàng Elise

Tác giả: Thái Bá Tân


Chiếc xe buýt du lịch cao ngất ngưởng, màu sơn sặc sỡ chậm chạp chạy theo những tuyến đường rải nhựa ngoằn ngoèo trong công viên - vườn thú Safari ở ngoại ô Băng Cốc.
Nếu phóng tầm mắt xa chút nữa, người ta sẽ có cảm giác như đang đi trong các vườn quốc gia châu Phi. Thỉnh thoảng, chiếc xe dừng lại nhường đường cho một đàn hươu cao cổ. Những con vật vụng về tuyệt đẹp với chiếc cổ cao lêu đêu ngật ngưỡng đi sát ngay bên xe. Có con dừng lại, chạm chiếc đầu bé một cách mất cân đối vào lớp kính thành xe như tò mò muốn biết bên trong cái hộp biết đi kỳ cục này có gì. Xa hơn chút ít là bầy tê giác, một hoặc hai sừng, con nằm con đứng, con trơ trẽn hít mông con khác. Mấy con hổ hoặc sư tử, gấu nằm phơi nắng trên ô đất cao bên khe nước. Hình như mỗi loài có một khu riêng, nhưng không thấy có gì ngăn cách. Lạ một điều là các loài hiền lành như nai, dê sống cạnh những loài ăn thịt mà chẳng thấy cảnh săn đuổi giết chóc.
Trên xe, khoảng bốn chục khách du lịch người Việt, phần lớn gồm các ông, các bà có tuổi mới ra nước ngoài lần đầu, được cơ quan bao trọn gói cả tua. Cũng có gia đình bỏ tiền túi đi riêng, hầu hết đến đây mới gặp nhau lần đầu. Hướng dẫn đoàn suốt tua là một Việt kiều sang đây đã hai mươi năm, bốn mươi tuổi nhưng chưa vợ, người gầy đen, hóm hỉnh và hay pha trò, dù đôi khi không đúng chỗ. Còn một cô người Thái trẻ đẹp nói tiếng Anh rất sõi, nhưng ít người biết tiếng Anh, nên cô luôn im lặng với nụ cười trên môi.
Xe qua một khu rất nhiều chim. Anh hướng dẫn người Việt bỗng ngừng lời quảng cáo các trò giải trí ở Băng Cốc, sôi nổi:
- Các vị hãy nhìn kia! Đây là loài nổi tiếng chung thủy nhất trong các loài chim. Điều ấy có đáng biểu dương hay không là chuyện khác, nhưng chúng bao giờ cũng sống có đôi. Và khi một con chết, con kia sẽ bay tít lên cao để lao đầu xuống chết theo!
- Tuyệt nhỉ! - Một bà thốt lên. Bà mặc chiếc váy sọc to, người đẫy đà, mặt đỏ lự vì hay xúc động.
- Ngớ ngẩn. Thế là ngu! - Ông ngồi bên đáp. Ông này nhỏ con, mái tóc bạc gần hết, có vẻ phong trần nhưng giọng nhỏ nhẹ, chẳng tương xứng chút nào với câu thô lỗ vừa nói.

Bà kia cụt hứng, nhăn trán khó chịu nhưng không đáp lại.
Mọi người nhìn theo hướng được chỉ. Trên một cành cây cụt có đôi chim gì đó to lớn đang đậu, màu sặc sỡ và đuôi dài như chim công.
- Tôi dám chắc chỉ con cái lao xuống chết chứ con đực thì không - Một ông khác lên tiếng.
Anh hướng dẫn do dự một chốc rồi đáp:
- Rất tiếc rằng quả đúng như thế. Chỉ con cái. Chỉ phái yếu mới biết hy sinh vì tình yêu. Do vậy, trong vấn đề này họ cao hơn hẳn đàn ông chúng ta.
- Và ngay cả khi con cái của mình còn sống - Ông đầu bạc nói - Con đực vẫn thường xuyên lăng nhăng với các con cái khác...
- Tôi không chắc lắm, nhưng có lẽ điều ấy cũng có.
- Vậy tôi nói ngu không đúng ư? Ấy là tôi nói về những con chim cái kia, tất nhiên, chứ không phải các bà. Đơn giản vì nhiều bà chưa được như thế.
Bà váy sọc quay sang nhìn ông, mặt đã đỏ càng đỏ hơn:
- Ông là người thô lỗ hiếm thấy!
Xe dừng, vì lại có con rắn lớn nằm chắn đường. Nhân dịp này anh Việt kiều chuyển đề tài, nói rằng có loài rắn thời gian giao cấu kéo dài những ba mươi tư tiếng. Mọi người có vẻ ngạc nhiên nhưng không nói gì. Chỉ một bà khẽ thốt lên "Khiếp", rồi không hiểu sao cười khúc khích một mình.
Buổi trưa ăn xong, khi ngồi nghỉ bên suối nước đầy những con cá to bằng bắp chân đủ màu, chờ buổi biểu diễn mô phỏng một số cảnh trong phim Điệp viên 007, ông đầu bạc quay sang nói với bà váy sọc:
- Bà đừng giận nữa. Tôi nói là nói cho vui thế thôi. Nhưng chắc bà cũng đồng ý rằng trong tình yêu quả có nhiều điều kỳ cục không giải thích nổi.
Bà kia im lặng. Một người xen vào:
- Có thế mới là tình yêu. Chứ không thì chán chết.
- Năm ngoái ở phố tôi có người vợ chết, buồn quá mà tự tử đấy. Ông bảo thế cũng ngớ ngẩn sao? - Một người hỏi.
- Đúng. Ngớ ngẩn! Chết chưa phải là bằng chứng một tình yêu lớn.
- Thế theo ông thì là gì?
- Chỉ những người yếu đuối mới chết vì tình. Sống để yêu mới khó! - Ai đó bình luận.
- Tôi thì cho là ngược lại.
Thế là người ta bắt đầu tranh luận về tình yêu. Không mấy hăng hái. Có người ngủ gật. Cuối cùng ông đầu bạc lên tiếng:
- Để tôi kể các vị nghe chuyện này. Sau đó ai muốn kết luận thế nào thì tùy.
Ông ngọ ngoạy trên ghế, khẽ hắng giọng rồi bắt đầu.

***
Trong tình yêu quả có nhiều sự lạ, mà chủ yếu từ phía phụ nữ. Tôi biết một người, có thể nói tuyệt vời về mọi mặt. Xinh đẹp, có học, gia đình êm ấm, với một ông chồng trí thức và hai đứa con rất ngoan. Ấy là tôi nói trước đây, khi câu chuyện chưa xảy ra, mấy chục năm trước. Thế mà con người có học, thông minh và đang hạnh phúc ấy bỗng dưng bỏ chồng con chạy theo một gã trai chẳng ra gì. Lúc ấy bà ta đã hơn ba mươi, còn thằng kia mới hăm lăm, chưa vợ nhưng nổi tiếng chim gái nhất nhì thành phố. Các vị muốn biết vì sao? Đơn giản vì một hôm ngẫu nhiên gặp nhau ở đâu đó bà ta đã được hắn, lúc ấy mới tốt nghiệp khoa piano, chơi cho nghe một bản nhạc ngắn. Vậy mà trời xui đất khiến thế nào, bà ta đem lòng si mê hắn, rồi ba hôm sau bỏ nhà theo hắn cả một tuần. Lúc về thì cương quyết đòi ly dị chồng, không được, liền khăn gói bỏ sang ở hẳn với người tình mới.
Chắc có vị bảo tôi phịa, vì những chuyện như thế chỉ bên Tây mới có chứ không thể ở ta, nhất là vào thời đói khổ ấy. Bản thân tôi cũng không hiểu, nhưng sự thật nó xảy ra đúng như thế. Thì đã bảo sự lạ mà. Tôi nghĩ trong bộ não con người, hay nói trái tim cũng được, có một chỗ nào đấy rất mềm, rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi những xúc động mạnh, sau đó thì không sao lành lại được. Có thể trường hợp cái bà tôi đang kể cũng vậy. Bản nhạc kia đã làm bà ta mất trí. Nếu không, chẳng sao giải thích nổi những việc bà ta làm sau này. Ở xóm tôi có một ông nhờ đọc Luận Ngữ của Khổng Tử và Đạo Đức Kinh của Lão Tử mà trở thành người khác hẳn đấy. Theo hướng tốt hơn, tất nhiên. Tôi cũng đọc nhưng chẳng thay đổi gì. Nghĩa là tùy người, tùy hoàn cảnh.
Bản nhạc thằng cha kia chơi là bản Fur Elise cổ điển, Gửi Elise, của ông nhạc sĩ người Đức Beethoven. Nóngắn thôi, lại đơn giản, nhưng phải nói rất hay, dễ gây xúc động, nhất là khi người nghe được kể rằng ông nhạc sĩ thiên tài già và điếc này đã gửi nó thay thư, cho một nàng Elise nào đó ông lặng lẽ yêu say đắm mà không được yêu lại. Chắc thằng kia vừa đàn vừa phịa thêm cho câu chuyện tình lãng mạn đó nhiều chi tiết lâm ly để gây ảnh hưởng với người hắn định tán. Và hắn đã thành công.
Tôi chẳng hiểu chuyện gì xảy ra trong cái đầu thông minh mà ngu ngốc của bà ta. Bản nhạc làm bà mụ người, đến mức có thể yêu, yêu si mê một người như hắn - mặt lưỡi cày, mắt ti hí, gầy nhom như thằng nghiện, bản tính lại thô lỗ, lười nhác và ích kỷ nhất hạng. Sau ba tháng sống với nhau như vợ chồng, hắn đã chán nên thẳng tay đuổi người tình khỏi nhà. Trong ba tháng ấy, bà kiếm tiền nuôi hắn, cung phụng, tôn thờ hắn như một nô lệ, tất cả chỉ để thỉnh thoảng được nghe hắn chơi bản nhạc Gửi Elise kia! May bố mẹ giàu, mua cho ngôi nhà nhỏ trong ngõ chợ nên bà không phải quay lại với chồng,

dù ông này tha thứ và cố thuyết phục nhưng bà nhất định không nghe. Có thể vì tình yêu với hắn, cũng có thể bà xấu hổ với chồng con nên quyết định đâm lao thì theo lao.
Vài tuần sau, đã quen được cung phụng, thằng kia mò đến tìm. Bà vội vã đi theo hắn, không một lời căn vặn, trách móc. Có điều lần này hắn trở nên quá quắt, thô lỗ hơn, và tất nhiên không thèm giữ ý tứ, tán tỉnh như trước. Hắn ngang nhiên dẫn gái về nhà, cả khi bà có mặt. Thật kỳ lạ, bà nhẫn nhục chịu đựng tất cả. Vì hắn. Vì cái bài Gửi Elise của hắn! Tôi không là bác sĩ, không biết gì về thuyết phân tâm của Freud, nhưng tôi cho rằng có thể đây là một dạng bệnh tâm thần. Đại khái như tâm thần tình yêu chẳng hạn.
Rồi cuối cùng bố mẹ thằng kia cũng bắt hắn lấy vợ. Bà ta lủi thủi quay về ngôi nhà trong ngõ chợ, lủi thủi héo hon chờ đợi mỗi tháng đôi lần hắn đến xin tiền. Bà nhịn ăn, ky cóp từng xu, có khi phải đi vay để đưa cho hắn. Những lúc ấy, mặt bà rạng rỡ hạnh phúc, nói năng ấp úng vì xúc động. Có thể từ lâu bà nghĩ mình là nàng Elise và là người tình của Beethoven chăng? Hắn thì không hề thất tình đau khổ mà luôn khinh khỉnh với bà, và hễ có được tiền là tìm cách chuồn ngay.

Cứ thế kéo dài hai mươi năm. Các vị ngạc nhiên phải không? Thế tôi mới nói là ngu, là ngớ ngẩn. Trong hai mươi năm ấy, bà có thể quay lại với chồng con bất kỳ lúc nào, nhưng bà đã không làm thế. Ông chồng đều đặn hàng tháng gửi tiền cho người vợ chưa ly dị của mình - chẳng hiểu vì tình yêu hay lòng thương. Sau này anh con lớn lên, đi làm, thỉnh thoảng cũng cho thêm. Tất nhiên bà đưa hết số tiền đó cho Beethoven của mình. Vì hắn, bà đã bị đuổi việc do tự ý nghỉ quá nhiều.
Suốt thời gian ấy bà sống lặng lẽ, vật vờ như cái bóng, không sự cố gì đặc biệt, trừ hai lần bị đẩy đến tột đỉnh của hạnh phúc và sợ hãi. Chính xác là một hôm vào cuối năm 1978, để bà chạy kiếm cho một khoản tiền không nhỏ, hắn đã chiếu cố đưa bà đến Nhà hát Lớn nghe buổi hòa nhạc của một nghệ sĩ dương cầm người Nga. Trong chương trình có bản Fur Elise. Bà đã dành trọn ba ngày chuẩn bị trang phục, phong thái cho sự kiện vô cùng trọng đại đó. Sự kiện thứ hai xảy ra khoảng mấy năm sau. Bà bị vợ hắn tạt a-xit do ghen tuông. May không trúng mặt. Chỉ bị bỏng nhẹ ở bàn tay phải. Sau đấy vì sợ hãi, bà ốm mất cả tháng.
Bây giờ bà đã là một mụ già. Một mụ già khốn khổ nhưng mãn nguyện vì đã mười năm nay được sống với người mình yêu. Số là vợ thằng kia không chịu nổi, cuối cùng đã bỏ đi, để lại hắn một mình không việc làm, không đồng xu dính túi, hơn thế lại mắc bệnh hen suyễn và xơ gan nặng vì rượu. Thời gian gần đây, hắn hầu như chỉ nằm một chỗ, thậm chí có muốn cũng không chơi nổi bài Fur Elise để gọi là trả công cho mọi lo toan vất vả của mụ. Vì yếu và bất động, hắn không thể thô lỗ trâng tráo như trước, nhưng thỉnh thoảng vẫn quát mụ bằng cái giọng khò khè khi cần cái gì đó. Những lúc ấy, người đàn bà tội nghiệp chạy cuống lên để thỏa mãn yêu cầu của hắn, miệng xuýt xoa đầy cảm động...

***
- Đúng là một mụ điên! - Ai đó lên tiếng khi người kể chuyện dừng lời.
- Dẫu sao cũng là một tình yêu lớn. Người yêu được như thế ít lắm - Một người khác nói, không hiểu sao lại thở dài rõ to.
Bà váy sọc quay sang ông đầu bạc, thái độ lúc này có vẻ thân thiện hơn:
- Ông không là nhà văn đấy chứ? Ông phịa giỏi lắm. Phi lý nhưng nghe mùi mẫn. Hay ông đọc được ở đâu đó ?
- Tin hay không hoặc nghĩ thế nào tùy bà. Tôi đã nói trước rồi mà. Nhưng chuyện có thật đấy. Trăm phần trăm, dù đúng là ngớ ngẩn và phi lý như bà nói. Mà suy cho cùng, ở người đàn bà nào cũng có chút ít chất ngớ ngẩn và phi lý ấy, đặc biệt khi chuyện liên quan đến tình yêu. Vấn đề là mức độ. Nếu bà vẫn không tin, hôm nào về Hà Nội tôi sẽ dẫn đến gặp người đàn bà ấy. Bà ta có quán nước trà ở Ngã năm Lò Đúc. Để có tiền, bà ta còn làm bao nhiêu việc, từ giặt thuê, trông trẻ cho đến trông xe. Không ít khi còn giở trò láu lỉnh tính gian tiền của khách. Vất vả lắm, nhưng mãn nguyện ra mặt. Bà cứ đến rồi khắc thấy. Mà bà ta đã bắt đầu phát phì ra rồi.
- Thế còn ông chồng cũ? - Một người hỏi.
- Chẳng sao cả. Ông ấy không ly dị vợ, cũng chẳng lấy vợ khác. Một người tốt như tôi nói. Đến giờ vẫn đều đều hàng tháng gửi tiền cho bà. Nghe nói ông còn tự học piano để chơi bài Gửi Elise cho bà ta nghe. Nhưng tiếc là tiếng đàn của ông không đủ làm bà xúc động mà quay lại.
- Cũng lại một thằng ngốc nốt !
- Có thể. Tình yêu cũng biến đàn ông chúng ta thành những thằng ngốc. Hơn thế, chúng ta còn lấy làm hạnh phúc vì sự ngu ngốc ấy.
- Tôi nghi không khéo ông chính là chồng của bà ta...
Bà mặc váy sọc cười khúc khích sau câu nói. Ông đầu bạc không đáp, chỉ quay mặt sang hướng khác.
Đến giờ đi tham quan tiếp. Không khí chẳng còn mấy hứng khởi, phần vì bữa ăn no đang gọi cơn buồn ngủ, có lẽ phần cả vì câu chuyện vừa rồi. Không ai nhắc tới nó, nhưng còn vương vấn trong suy nghĩ, chuyện người khác và chuyện của mình.

***
Buổi tối ở khách sạn, trước khi đi dạo phố, ông đầu bạc ngồi xuống trước chiếc đàn piano loại lớn, màu đen bóng loáng tại phòng ăn. Những ngón tay lóng ngóng của ông rón rén dạo trêncác phím đàn. Bản Fur Elise của Beethoven! Ông đàn hai lần, đều lưu loát, trừ một chỗ vấp ở đoạn giữa. Tiếng đàn còn vụng về nhưng diễn cảm và đúng nhịp.
Mọi người quay sang nhìn. Đàn xong, ông đặt tay lên đầu gối, nói với mấy bà đang đứng cạnh:
- Không ai si mê tôi à?
2hi.us