Old school Easter eggs.
Truyện Ngắn - Xuân Nữ

Truyện Ngắn - Xuân Nữ

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Xuân Nữ

Thường thường, trước khi cột dây xuồng vô chạt cây bình bát ở góc bến của chị, tôi phải nhóng xem hồi lâu. Hoặc cắm dầm ngóng nghe hoặc sẽ kêu lớn để đánh động: “Chị Xuân ơi, em lên chơi nè, được không?” Tôi thích cả hai trường hợp. Chị đang một mình thì chị em sẽ được riêng tư thỏa thuê còn như có ông nào trong nhà, tôi sẽ được ngắm cái ông may mắn sở hữu chị. Dám chắc tôi không phải kẻ tò mò duy nhất. Những người chưa quen biết sẽ cho xuồng từ từ trôi qua mong nhìn thấy một lần người đàn bà nguy hiểm; cánh đàn ông không xa lạ thì dần dừ dầm chèo hy vọng được mời mọc để bước lên và ngồi lâu. Đàn bà con gái ư, đa số xì xào sau lưng những lời muôn thuở của đàn bà, riêng tôi, tôi được trọng thị như một người bạn vong niên trong trẻo. Người đẹp nào cũng cảm nhận được quyền lực của mình nhưng không phải ai cũng tận dụng nó để làm ra lợi. Chị cảm động vì tôi và chính vì chị bình thản tự tại nên chị rất đặc biệt, tôi tin là vậy.

Gần bốn mươi năm đã trôi qua kể từ khi tôi biết chị lần đầu. Không cứ mọi ký ức chiến tranh đều đau buồn, u ám. Thời gian quá xa để những cơn ác mộng trong đêm thưa dần, để những con rắn con đỉa không khiến mình hét lên trước khi choàng tỉnh. Nhưng những gì tốt đẹp nhất thỉnh thoảng vẫn lóe lên, như những viên ngọc sắc nét trong bóng tối. Bữa cơm rụt rè đầu tiên ở nhà người đánh dấu chặng đời thoát ly; tiếng hát ai đó vút lên trong một buổi hoàng hôn dào dạt những đoàn xuồng, một câu thơ của Thâm Tâm gửi thầm theo chàng trai vừa khiến mình xao động… Và chị, chị là một phụ nữ thường dân khiến tôi day dứt tới tận hôm nay bởi ấn tượng khi chị xuất hiện, cái cách chị chấp nhận chiến tranh và cuối cùng là sự mất hút để phải rất nhiều tin đồn vương vãi như thể người ta đã tìm thấy xiêm áo, giày dép bên bờ sông trong câu chuyện về những thiếu phụ cả gan làm cho người đời phải nhắc đến.

Tôi thích vẻ chín muồi của chị ở quãng sau này hơn mặc dù lúc đó chị đã bị xoi mói nhiều hơn. Nhưng hãy nói về ấn tượng ban đầu trước đã. Một gương mặt có cạnh hàm hơi vuông nếu nhìn nghiêng. Không trái xoan không mũi dọc dừa không mày cong mi rậm môi hồng nhưng toàn bộ gương mặt đẹp vẻ đẹp đằm thắm, sáng rỡ. Gì nữa? Thêm làn da ngà ngà tươi, thêm chiếc cổ vươn cao trên chiếc áo bà ba khoét trễ, chị như một món quà giữa khung cảnh hoang tàn và bị dồn đuổi sau Tết Mậu Thân. Tôi tinh khôi mười tám tuổi, lần đầu tiên tôi thấy những người đàn ông trong nhóm của mình bất động như bị điểm huyệt trước một người đàn bà. Quá đẹp để nghẹn thở nghĩ về sự tàn khốc của chiến tranh đang có mặt ở quanh chị, khắp nơi. Đó là một buổi chiều điêu linh, nhóm đi Cứ chúng tôi đang dựng chòi trong biền lá dừa nước, vườn của dân phía trên đã bị thuốc khai hoang làm cho bình địa, biền lá la liệt những tàu lá chết vàng gãy gục. Du kích sống rải rác trong những căn chòi thấp phủ bằng những tàu lá chết, tất cả sự sống phải bị che đậy bằng cái chết của cả một biền lá để qua mắt lũ máy bay các loại quần thảo suốt ngày. Chị hiện ra, ở đường mòn có những bẹ dừa nước thả dài trên đất sình, chị giống một nàng tiên hơn là người thực giữa buổi chiều thê lương đó. Chị nói chị không thể chạy ra ven vì có một bà má mù lòa, chị phải bám trụ cùng với mấy người bà con trong đội du kích. Trong khi những người đàn ông nhóm tôi há hốc không nói nên lời, tôi đoán biết vì sao chị không chạy đi. Tản cư trong cảnh ra vô giữa hai vùng, nhất định chị sẽ không trót lọt được với những gã lính đồn đói khát nhiều thứ trong hàng rào kẽm gai, bằng như phải ra chợ kiếm sống thì chị cũng không thể yên ổn bởi nhan sắc của mình.

Dạo ấy chị mới chỉ có một anh bộ đội trên bàn thờ, người chồng nghe đâu quê tận U Minh. Từ chỗ chòi Cứ của mình tôi rải thêm một lớp bẹ dừa nữa để thật khô chân mỗi khi chạy qua chỗ chị. Những đọt dừa non đã bắt đầu le lói màu xanh trên một biển lá vàng. Chúng tôi giống những con còng thập thò trong hang trong lỗ. Những khi được thoát ra, tôi thích ngắm chị xắn cao quần đi từ mép lạch lên với chùm lưới cá trong tay, để lộ đôi đùi non miễn nhiễm với ô rô cóc kèn như thể trong da đã có chất kháng sinh. Tôi thích được múc nước trong cái khạp dội xuống mái tóc dài đen tuyền mỗi khi chị gội đầu bằng nước lắng tro - chúng tôi không có tiền và cũng không mua được xà bông, những lúc ấy cái cổ thanh thanh là tâm điểm của ánh mắt thán phục, không biết mô tả thế nào cho xứng. Càng thích hơn khi nhìn chị nghiêng nghiêng chải tóc trong áng chiều được thả lỏng, thời gian ngơi nghỉ như một cam kết bất thành văn của cả hai bên: lũ giặc trời thôi không tác oai nữa, các họng pháo ở chi khu cũng im miệng cho nguội nòng và quân lính của đối phương trong những cái đồn gần nhất cũng phải ăn uống tắm táp theo kiểu nào đó để tồn tại và dân đi Cứ chúng tôi rất thích la cà với dân bám trụ để thư giãn. Tôi chỉ có một địa chỉ duy nhất là chị, một bà góa phi thường hơn là đáng thương trong cảnh mẹ lòa, phải tự tìm ra con cá lá rau và đêm đêm còn phải lên đồng cuốc đất vãi mạ cấy gặt để có hột gạo lứt mà cầm cự với thời cuộc. Tôi thường hỏi, ở đâu ra nhan sắc này và ở đâu ra sự gan góc dường ấy?


Cuộc chiến ngày mỗi khốc liệt ngoài sức tưởng tượng của con người. Trước khi tình cờ gặp lại chị trên một bờ kênh rất xa vịnh nhà của chị, một con kênh thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của bên kháng chiến, đã đến tai tôi tiếng đồn về một Xuân nữ cao có số sát chồng, nguy hiểm còn hơn một tay bắn tỉa. Dung mạo, làn da, vóc dáng chị giống hệt bức ảnh người phụ nữ trên hộp thuốc Xuân nữ cao bổ âm thịnh hành thời đó và biệt danh ấy do ba người đàn ông trong nhóm của chúng tôi loan ra. Nó hơi sến nhưng nó vẫn có ý nghĩa nào đó về mặt tri ân, như một ghi nhận, như một liều thuốc. Phải nói rằng cuộc gặp lại của chị em tôi có không khí của người nhà, ai nói sao về chị, mặc, tôi vẫn say mê chị như ngày nào, thậm chí có phần sùng bái. Cuối cùng chị cũng đã phải bật gốc khỏi biền lá, thay vì chạy theo dân tản cư, chị bị cuốn vào bên trong cùng với những người kháng chiến, một thường dân cá biệt và nổi bật. “Nhà” của người bám trụ cũng chỉ là một mái chòidưới một lùm cây bình bát sống sót, một chiếc bàn bằng cây tạp, một khuôn bếp, một bộ vạt tre cho dân đi Cứ lui tới làm khách và một tấm vách ngăn với chiếc giường của gia chủ bên trong. Bà má của chị trên bàn thờ nhìn tôi, người bộ đội đầu tiên của chị sau chiếc lư hương nhìn tôi và chị nhìn tôi, buồn rầu. Chính vì vậy mà chị mặn mà hơn, không sao cưỡng nổi. Chị bảo con cá lá rau của lung Ngọc Hoàng này không bỏ đói ai cả, chị biết cầm phảng phát đất cấy lúa, cũng qua ngày đoạn bữa như thường. Tôi biết rõ cái nết nhẫn chịu của chị với bom đạn giặc giã, nó không có gì đáng nói trong câu chuyện của chiến tranh, nó quen thuộc như mở mắt ra là cụ bị đồ lề để có thể lát nữa sẽ phải xuống xuồng chui rúc tránh né cuộc càn, nếu chuyện đó không diễn ra thì canh chừng bom pháo cho đến lúc chiều xuống mới ra đồng phát cỏ cấy trồng hay bắt cá lượm ốc hái rau qua ngày. Duy có một điều tôi muốn chính chị liệt kê ra nhưng lại không dám hỏi. Nghe đâu chị đã có tới ba người trong một năm, cả ba đều được ra mắt chính thức

với mấy người quen trong Cứ và dĩ nhiên, người đi thì đi luôn, chỉ có giấy báo tử quay về. Là nhà báo, tôi biết mặt họ hết, cả ba đều là sĩ quan cấp tiểu đoàn, một người quê ở Bến Tre, một người quê Rạch Giá còn người kia là dân Bạc Liêu. Khí phách và sự phóng túng của những sĩ quan chủ lực miền thì khỏi phải nói nhưng họ biết mà vẫn lần lượt đâm đầu vào để chết, liệu có nên không? Nhưng mà, khi đã đứng trước chị thì chính tôi cũng muốn bế bổng chị lên để hít hà mặc mọi chuyện ra sao thì ra, mặc hết.

Vẫn cái bếp có khuôn cắm bằng cây tạp, chị không chịu ngồi bếp xổm bao giờ. Vẫn cái giàn để hong những cây củi chặt ra bằng ngăn ngắt. Vẫn cái ấm nước gạo rang đặc biệt uống bằng chén, hầu như chúng tôi không có trà bao giờ, nhưng nước gạo rang chỗ chị vàng nhất và cũng thơm nhất. Có lẽ đàn bà đẹp thì cái gì cũng thơm và làm gì cũng thấy có lý. Vẫn cái cách chải tóc cẩn thận sau một ngày lấm láp, dáng đứng không lả lơi nhưng cực kỳ gợi cảm. Tôi đã thấy lại chị, một cái nụ câm trước một bông hoa đã nở tràn nhưng trong tôi đâu chỉ dừng lại ở sự thân thiết giản đơn đó. Tôi thích có chị trong tầm mắt, người ta đàm tiếu bao nhiêu thì tôi càng muốn biết thực sự chị dễ yêu và dễ gắn với đàn ông chiến trận là vì lẽ gì, lực hấp dẫn trai tài gái sắc, hay thuần túy đàn ông đàn bà, hay hàm chứa một sứ mệnh bí ẩn? Chị thường tình gái góa hay chị là một câu đố, một bài toán khó?

Một lần, một người đàn ông ngồi trên gờ cây bình bát trước cửa chòi của chị thôi thúc tôi ghé lại. Tôi ngờ ngợ, tôi có biết người này không? Lực lưỡng, tóc xoăn, da ngăm, miệng rộng, nhìn qua cũng biết lại một anh bộ đội chủ lực miền, họ rất khác với cánh cán bộ dân chính hay du kích hay địa phương quân. Tôi đã nhớ ra, anh từng đóng quân trong vườn nhà tôi, thần tượng âm thầm thời thiếu nữ của tôi và thật nực cười, tình cảm ấy bỗng dưng kết thúc khi vợ của anh từ Đầm Dơi đánh đường lên đơn vị thăm anh, một người phụ nữ trẻ không gây được ấn tượng nào ngoài cái sự trẻ. Vợ anh tầm thường đâu phải lỗi của anh nhưng tôi cũng không còn tôn thờ anh nữa. Đã nói đó là tình cảm bốc đồng của tuổi dậy thì mà lại. Sau đó, tên tuổi anh vang dội lên mãi, từ đại đội trưởng rồi tiểu đoàn phó và không chừng, lúc mắc kẹt trên gờ cây bình bát này, anh đã tiểu đoàn trưởng rồi cũng nên. Thiệt là, tôi muốn kêu lên với bà chị của mình, chị không khước từ bất kỳ ai hết, phải không? Anh ta đang giũa một cây lược cài tóc từ một mảnh nhôm máy bay, cánh bộ đội rất tài ở những ngón này: đàn hát, tấu hài, bắt rắn mò tôm và những trò thủ công từ tấm kính cho cây đèn pin, hay khắc bông lên cây kẹp tóc, hay biến một chai cồn thành cây đèn dầu có nắp dùng để bắt muỗi trong mùng… “Anh dân trung đoàn Một từng chà xát ở Long Mỹ, đúng không?” - tôi hỏi gặng để khiến anh ta nhớ tôi là ai. Nhưng hoặc là tôi đã lớn bổng lên không thể nhận ra cô bé hay trèo cây dưới vườn dừa, hoặc Xuân nữ của tôi đã làm mờ mắt anh ta. “Bộ dạng tui có đóng dấu trung đoàn sao? Chị Xuân cô ở trên nhà, cô lên uống nước đi!” Tôi cột xuồng, bước gấp lên, tôi bắt gặp chị sau vách chòi, chỗ chị đang múc nước từ khạp đổ vô ấm. “Chắc chắn ông nầy có vợ rồi chị ơi!” Chị bình tĩnh, khẽ cau mày, chị không từ bà mẹ mù lòa đã ra người thiên cổ kia, chị cũng không phải sản phẩm của sình bùn, chị thuộc về bí ẩn của tạo hóa ở cái cách cau mày nầy. “Có chắc không?” - chị thờ ơ hỏi lại. “Em biết rành, vợ anh nầy dân Đầm Dơi, không xấu không đẹp nhưng mà…” Chị nghiêm trang: “Người ta trận mạc, đừng có khắt khe!” Tôi không chịu lùi: “Còn quân phong quân kỷ, ảnh bỏ ngũ luôn à?” Chị đưa tôi cái ấm để vấn lại mái tóc, hai cánh tay thon dài như đang cử hành một vũ điệu: “Đừng lo, ảnh đã ở mấy ngày nay. Tối nay em ở lại chơi, chị em mình liên hoan tiễn một người trở lại đơn vị, nghen? Có lịnh điều quân lên Châu Thành Cần Thơ rồi, chắc khó về lắm”. Nếu quãng đời làm báo trong chiến tranh có khoảnh khắc nào khiến tôi do dự và dễ đầu hàng nhất thì chính là giây phút này, khi sự khẩn khoản khiến chị đẹp lịm đi. Chị bảo tôi nhóm lửa nấu nước, còn chị thì bước ra và ngồi xuống tình tứ bên mép kênh với người đàn ông sắp đi vào tuyến lửa. Năm đó để giành thế thượng phong ở bàn Hội nghị bốn bên, Hà Nội tin mật vào rằng phải vừa đánh vừa đàm, động viên tổng lực, mọi người dân đều phải được huy động, không chừa một ai.

Tôi tìm mọi cách dõi theo người đàn ông thứ năm ấy và không ngạc nhiên khi nghe anh đã nằm xuống trong một trận thư hùng dữ dội ở Phong Điền Cần Thơ. Không ngạc nhiên nhưng càng hình dung càng bứt rứt. Tóc xoăn, ngăm đen, ngang tàng, sức vóc, khéo tay, hoạt khẩu… Đã bị chôn xuống đất đen một con người như vậy, đã kết thúc dễ dàng một cuộc đời như vậy sao? Liệu Xuân nữ đã hay tin này chưa, lần này nhất định tôi phải chứng kiến sự đón nhận khắc nghiệt này. Bốn lần trước tôi chỉ tưởng tượng ra, chị đau khổ kiểu gì với ba cái giấy báo tử trong một năm và chị là người hay sắt đá mà không biết sợ cái tờ giấy ấy? Chị không có nốt ruồi nào trên mặt, nốt ruồisát phu càng không, còn cái tướng sát phu là tướng gì và nó ra làm sao hở trời? Tôi sẽ lột trần chị ra, nếu được, chị không má bầu không hồng hồng dâm đãng, vậy chị liên tục cần đàn ông để làm gì, chị cần một đứa con ư, sao cứ nhè các chàng sĩ quan ấy để phải ra nông nỗi cho cả hai bên? Chị đón tôi bằng ánh mắt đỏ hoe và quần áo tóc tai vẫn trang trọng như thường. Chị bày trên tấm vạt những kỷ vật, anh Thứ Hai một bức ảnh bán thân từ thời anh là học sinh chợ huyện trước khi về quê đăng lính, anh Thứ Ba một cái gương cầm tay có khắc hai con bồ câu kề mỏ vào nhau sau lớp thủy, anh Thứ Tư một tấm vải dù chị đã thêu tên anh bằng chỉ đỏ vào góc khăn. Chị cầm lên cây lược cài tóc của anh Thứ Năm, dùng cả hai tay từ từ cài nó lên và lặng lẽ nhìn tôi, chị khóc không thành tiếng, nước mắt lã chã đầm đìa, Xuân nữ của tôi, khóc cũng không giống ai, khóc cũng đẹp thì có chết người ta không chứ! Mọi ý định của tôi đều không nỡ, ngay cả câu chất vấn vì sao chị không đưa họ lên bàn thờ cũng không thể nữa, một cách dàn hàng ngang như vậy để làm gì, có ích cho ai?

Tôi ra vô với chị thường hơn khi có dịp. Chủ trương vừa đánh vừa đàm của Hà Nội đã khiến cho vùng kháng chiến mở ra, từng tháng một. Lung Ngọc Hoàng nườm nượp người và xuồng ghe. Cũng có nghĩa là đàn ông con trai đi qua cái bến cây bình bát của chị đã dập dìu hơn. Đến người Thứ Sáu thì tôi không chậm chân nữa, tôi phát hiện ra ngay và tôi đã xộc lên chòi, tôi kéo chị ra xa, tôi xoay chị bằng hai bàn tay giận dữ và tôi dồn chị như một quan tòa: “Chị tu đi, chị xuống tóc đi, chị đừng khiến người ta lui tới sập sận nữa! Chết chóc đủ rồi, tai tiếng đủ rồi, chị có biết người ta nói gì sau lưng mình không? Chị đâu còn trẻ nữa, già không bỏ nhỏ không tha là sao? Chị không thấy anh chàng nầy trai tơ ngơ ngác hay sao? Chị từ chối đi, chị làm cứng đi, chị xua đuổi anh ta đi, chị phải để người ta sống mà trở về với ba má người ta, gần kết thúc rồi, gần lắm rồi, không lâu nữa đâu, chị hiểu không?” Chị giang tay tát thẳng vào mặt tôi, trân trối nhìn, nhịp thở dồn dập lên ngực: “Em mà cũng nói cái giọng đó

hả? Không chị em gì nữa, kệ chị”.

Tôi đã nói những gì vậy hở trời, xét cho cùng chị có lỗi gì đâu. Không biết chàng trai búng ra sữa kia để lại cho chị kỷ vật gì. Mỗi người là một cơn bão chứ không phải là chồng hay người tình nữa. Sau này, khi ký ức đã thành những thớt vỉa trong tôi, mỗi lần bóc chúng lên là mỗi lần tôi nhìn sâu hơn vào thớ quặng của chúng, tôi hiểu chị thấu đáo dần. Trời sinh ra những người đàn bà đẹp để làm gì? Họ là những ánh chớp cho ta thấy cả đất và trời trong một lúc nào đó, không hư vô thường tình chút nào, lúc đó. Rồi mọi thứ sẽ trở lại đều đều, quân bình, nhàm chán, thậm chí tẻ nhạt. Nó, những tia chớp giật ấy là hiểm họa mà cũng là tài năng phải có trong cuộc đời này, không dành riêng cho ai cả.

Người Thứ Bảy đang cùng chị hiện ra trước mắt tôi trên một chiếc xuồng. Lúc này chị đã dời lên kênh Long Phụng, giữa lung Ngọc Hoàng, chắc lại là một mái chòi nho nhỏ, có chiếc bàn và ấm nước gạo rang uống bằng chén, có khuôn bếp đứng nấu, có bộ vạt hiếu khách và có căn buồng với những chiếc gối xinh xinh để đêm đêm chị thả người xuống, tung mái tóc dài ra, hai cánh tay thon nuột chờ đợi dịu dàng; tôi hình dung chị sẽ không bốc lửa ma quái mà luôn luôn cao nhã, ân cần, dâng hiến, ngầy ngà. Không khí tháng Tư năm Bảy lăm cấp rấp ở khắp nơi, dào dạt hy vọng ở khắp nơi. Người đàn ông đứng tuổi cầm chèo, chị ngồi mũi và quay mặt về phía ông ta, chiếc xuồng lướt đi hối hả. Tôi hét lên vui mừng, chúng tôi giận nhau và xa cách nhau như thế đủ rồi, đã ngửi thấy mùi chiến thắng rồi, một người đàn ông cuối cùng cho chị, không đáng mừng sao? Chị chờ xuồng tôi chạm vào rồi mới nhỏ nhẻ: “Chị đưa anh Tư ra kinh xáng rồi về. Ra đó nhiều ghe máy ra hướng Ngã Bảy, anh quá giang dễ hơn. Anh rượt theo đơn vị mà, em!” Chị nhìn người đàn ông của mình, âu yếm, buồn thương. Không khí nước rút bao bọc chị, nó khiến chị đằm thắm, từng trải hơn nhưng cũng da diết hơn trong giây phút lặp lại kẻ ở người đi, biết đâu, lại là đi mãi nữa? Tôi biết người Thứ Bảy này nhưng ông ấy lại không biết điều đó. Ông là vị chỉ huy tài ba của tiểu đoàn chủ lực danh tiếng tỉnh nhà, mắc mớ gì đó với tỉnh đội nên có ý định bỏ ngang. Dù sao ông ta cũng đang trở lại chiến trường, nói theo cách nói thời đó, là không viện cớ bất mãn để nằm dài, chờ thời, bảo mạng. Tôi lướt xuồng đi, mấy lần ngoảnh nhìn. Đáp lại nụ cười ma mãnh của tôi, chị vẫn nghiêm trang như trước nay, mặt có tươi lên đôi chút.

° ° °

“Chị đi tu đi, sao chị không xuống tóc đi cho thiên hạ nhờ!” Tôi đã nói những gì, tôi đã nhân danh gì, nhà đạo đức, sự ghen tuông hay lòng đố kỵ? Tôi day dứt mãi, chị đã biến mất ngay khi người đàn ông ấy ngã xuống trong ngày 30 tháng Tư ở cửa ngõ vào Cần Thơ. Không làm sao lần ra được dấu vết của chị. Cho tới tận hôm nay, nhiều lúc bất chợt gặp một cái cằm hơi vuông nhìn nghiêng bên vành khăn sư nữ hay một dáng đi thanh thoát trong nếp áo nâu sồng, tôi vẫn thắt tim hy vọng. Có phải chị đó không, Xuân nữ? Nhưng chắc gì trời đã để chị chọn đường tu, có khi chị đã về với trời xanh và mây trắng, đã xong một sứ mệnh và một đời người, thôi thì cứ nghĩ vậy cho thanh thản. Cuộc sống đã lại đều đều, nhàm chán, thậm chí là tẻ nhạt quá rồi, chị ơi!
2hi.us