Duck hunt
Truyện ngắn - Lục bình nhuộm tím trời quê – Hân Như

Truyện ngắn - Lục bình nhuộm tím trời quê – Hân Như

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện ngắn - Lục bình nhuộm tím trời quê – Hân Như

Tháng 6, hoa lục bình bắt đầu nở trạt ngoài sông. Cả một khúc sông toàn một màu tím như dải lụa màu mềm mại vắt ngang làng. Sắc tím biêng biếc như nhớ, như thương ai mùa sắp chia tay. Người quê gọi lục bình bằng cái tên thân mật: cây bèo.

Chiều nào Nga cũng ra bãi sông vớt bèo về cho mẹ, nhưng hôm nay, khi trước mắt toàn một màu tim tím trải rộng, cô đã đứng ngây ra một hồi. Chưa có quang cảnh buổi chiều nào lại làm cô rung động như hôm nay. Hương thóc mới, rơm rạ mới theo gió từ bên kia sông đưa tới khiến cô vô cùng khoan khoái. Cô 18 tuổi, cũng là 18 năm sống gắn bó với vùng quê nghèo ruộng trũng, 18 năm làm bạn với ruộng đồng, cây cỏ. Tuổi thơ cô cũng gắn liền với quãng sông quê đầy nắng và gió này, nhưng hôm nay là lần đầu tiên cô bị chính những điều bình dị thân thuộc ấy làm cho xúc động không nói thành lời.

Nga xắn quần lội xuống nước, vươn tay kéo những cây bèo lại, nhẹ nhàng như sợ sẽ làm hoa bèo rụng xuống. Những bông hoa già buông mình xuống nước, để trơ lại trên thân những cành trụi lơ. Vớt một lúc thì xong, Nga vội trở lên bờ, ôm từng bó bèo đặt lên xe đạp và ấy dây chằng lại thật chắc. Những bông hoa bèo được cô hái riêng ra đặt trên bờ. Lũ gà nhà được bữa hoa này sẽ thích mê! Nga thầm nghĩ như thế, lại lội xuống rửa chân cho sạch.

-Sắp lên thành phố học rồi mà còn phải đi vớt bèo sao?

Tiếng cười trêu đùa vang lên, Nga không cần quay lại cũng biết được chủ nhân của tiếng nói này là ai.

Nga rũ chân cho sạch rễ bèo rồi bước lên bờ. Phong vẫn đứng ở trên đê cười, trên tay còn xách một xâu chim ngói, con nào con nấy béo núc. Phong giỏi nhất chính là bắt chim. Không có ngọn cây cao nào trong làng mà Phong chưa trèo lên; chỉ cần nghe tiếng chim hót, Phong cũng biết đó là loài chim gì. Thậm chí, chỉ cần nhìn phân chim thôi Phong cũng có thể phân biệt được chúng là do loài nào để lại. Phong có thể ngồi nói cả ngày về chim chóc không biết mệt, và Nga cũng chưa bao giờ cảm thấy chán mỗi khi nghe Phong nói về chúng.

Vì cô thích Phong.

Nhà Phong ở xóm dưới, còn nhà Nga ở xóm trên, hai người học chung với nhau từ mẫu giáo đến tận khi tốt nghiệp cấp 3. Phong không học giỏi như Nga, nhưng việc nhà, việc đồng áng lại rất tháo vát. Bố Phong hy sinh từ khi Phong còn nhỏ nên nhà chỉ còn hai mẹ con, Phong phải gánh vác tất cả mọi việc của một người đàn ông trong gia đình. Phong rất ngoan, không bao giờ giao du với lũ bạn xấu, cũng không học những thói xấu của đám con trai mới lớn trong lớp, càng không bao giờ gây gổ đánh nhau với ai. Đó là lý do tại sao Nga thích Phong, từ bao giờ thì cô cũng không nhớ nổi.

Cho đến bây giờ, hai người vẫn đi chung với nhau. Hồi đầu, bị lũ bạn học trêu chọc ghép đôi với Nga, Phong còn ngại và có ý xa cách cô, nhưng sau đó vẫn lại đâu vào đấy. Hai người vẫn lại tới trường cùng nhau và coi chuyện ghép đôi như một điều hiển nhiên.

-Hôm nay bẫy được mấy con?- Nga quay lại cười hỏi.

Phong ngẩn ngơ nhìn. Màu hoa lục bình nhuộm tím ráng chiều, nhuộm tím cả mắt Nga.

-Kha khá, cho ít mang về này.- Phong duỗi chân ngồi bệt xuống bờ cỏ.

-Mang về cho bác gái đi.- Nga lắc đầu, sau đó cũng bước lên ngồi cạnh cậu bạn.

Những bông cỏ may bám đầy ống quần hai người. Cả hai vừa tự nhặt cỏ may trên ống quần, vừa cười nói chuyện khúc khích.

-Thế cậu ôn thi tới đâu rồi? Có khó chỗ nào thì hỏi tớ.- Nga nhắc.

Nga và Phong đã hẹn nhau sẽ cùng lên thành phố học đại học. Nga được giải nhất môn Văn quốc gia nên được tuyển thẳng, bây giờ chỉ đợi ngày nhập học. Vì thế cô rất quan tâm đến việc ôn thi của Phong, cô không muốn Phong bị rớt lại ở quê một mình.

-Tớ…

-Đừng có ngại. Bên nhà tớ còn nhiều sách ôn thi lắm, mai tớ mang sang cho nhé!

-Không cần đâu.- Phong lắc đầu cười, hai cánh tay rắn rỏi, rám nắng chống xuống bờ cỏ, cứ thế Phong đưa mắt nhìn khúc sông tím ngắt một màu trước mặt.

Xa xa, bên kia sông, trong những ruộng lúa chín vàng trĩu
bông, một đàn chim ngói ăn no bay vụt lên.

-Nga này…- Phong quay sang nhìn cô bạn vẫn đang cắm cúi nhặt cỏ may trên gấu quần.

-Ừ?- Thấy Phong đang nói lại im lặng, Nga ngẩng đầu, chớp mắt nhìn cậu chờ đợi.

-À…- Phong vươn tay nhặt một cánh hoa bèo vương trên tóc Nga, cười nói tiếp- Có hoa bèo dính trên tóc cậu này.

-Ừ, cảm ơn.- Nga đỏ mặt cúi đầu, lí nhí đáp.

Phong vò nát cánh hoa trong tay, mắt lại nhìn bóng chiều đang chìm dần xuống. Những lời muốn nói ra cứ nghẹn lại nơi cổ họng. Cuối cùng, lấy hết dũng cảm, Phong nói ra những gì mà mấy hôm nay cậu luôn muốn nói.

-Tớ sẽ không lên thành phố học cùng cậu được đâu.

Nga quay sang nhìn cậu bạn, lại bắt gặp vẻ thảng thốt trong đôi mắt đen láy của Phong. Nói xong câu ấy, thấy vẻ ngỡ ngàng không tin được trên gương mặt Nga, Phong lại cúi đầu như mình vừa làm một điều gì có lỗi.

-Ừ, nhưng tại sao vậy? Hồ sơ cũng đã nộp rồi. Khám tuyển vòng 1 cũng xong rồi. Nếu cậu vào một trường quân đội nào đó thì đâu phải lo chuyện học phí hay gì nữa?- Nga gặng hỏi.

-Tớ muốn đi bộ đội. Đã khám sức khỏe xong rồi, một tuần nữa tớ đi.

-Học ở trường quân đội cũng thế thôi mà.

-Không, khác chứ. Tớ muốn thực sự được cầm súng như một người lính. Tớ muốn ra Trường Sa, giống như bố tớ từng ở đó. Dù bố tớ đã mất nhưng dòng máu chảy trong tớ vẫn mang ý chí của ông. Tớ muốn làm một người lính ngoài biển đảo, đứng ở nơi ông đã từng đứng, hướng về nơi ông từng hướng.- Phong chậm rãi nói, trong mắt sáng lên vẻ quyết tâm.

Cậu biết, sự thay đổi quyết định này sẽ làm tổn thương Nga, nhưng đây mới là điều thực sự cậu muốn làm.

-Còn lời hứa giữa chúng ta thì sao? Cậu không muốn đi học cùng tớ à?

-Xin lỗi nhé!- Phong lắc đầu.

Nga cũng không cố khuyên nhủ thêm nữa mà kiên quyết đứng dậy.

-Thôi nhé, tớ về đây!

Phong cầm lấy xâu chim ngói đứng dậy, lặng lẽ nhìn theo bóng dáng nhỏ bé, xiêu vẹo của Nga trên chiếc xe đạp cũ.

Trời chiều dần buông, Hoa bèo dần khép cánh. Một đám mây đen mang theo ánh chớp đùn lên từ đằng tây. Ráng chiều trở nên thê lương theo tâm trạng của hai cô cậu học trò vùng quê nhỏ.

Một tuần giận dỗi là một tuần dài nhất với Nga và Phong. Không gặp nhau, không đi chung, không nói chuyện, thậm chí nhìn nhau cũng không. Nga cũng không hiểu tại sao mình có thể buồn lâu,giận lâu đến như thế? Chỉ nhìn theo dáng đi lầm lũi của Phong thôi mà cũng buồn đến phát khóc rồi. Cô biết, bản thân cô không giận vì Phong chọn đi bộ đội thay cho đi học đại học, mà cô giận vì đến tận lúc gần nhập ngũ Phong mới nói cho cô biết tin này. Dù biết Phong làm vậy vì không muốn mình buồn nhưng Nga vẫn cảm thấy rất giận. Nếu Phong chịu nói sớm hơn thì cô đã dành nhiều thời gian cho Phong hơn là suốt ngày mải mê với những cuốn tiểu thuyết tình cảm sướt mướt ở nhà.

Ngày mai Phong lên đường, nên dù thế nào thì tối nay cô cũng phải tìm gặp Phong để nói lời tạm biệt.

Chính Phong cũng nghĩ như thế.

Một tuần không gặp khiến cậu thấm thía nỗi nhớ Nga là như thế nào. Cả hai ở gần nhau quá lâu, chưa bao giờ giận nhau quá một ngày, đến nỗi hình dáng nỗi nhớ thế nào cũng chẳng ai biết rõ. Một tuần này giúp Phong hiểu ra một điều, rồi sau này khi mỗi đứa một phương, cậu sẽ nhớ Nga rất nhiều. Nỗi nhớ này dù

chưa đi xa nhưng cậu có thể chạm vào rồi.

Chiều tà, Phong đang thồ xe lúa về cho mẹ thì nghe thấy tiếng hét thất thanh từ dưới đê. Nhìn xuống, chỉ thấy một đám trẻ chăn trâu đang vây quanh một người, mà vừa nhìn chiếc xe đạp dựng ở cạnh, Phong đã biết đó là Nga. Dường như Nga đang gặp chuyện gì đó, nghĩ như thế, Phong bỏ lại cả xe lúa ở trên đê rồi chạy xuống dưới bãi.

-Làm sao thế?- Phong vừa gạt mấy đứa trẻ ra, vừa lo lắng hỏi.

-Chị Nga lội sông vớt bèo, bị mảnh sành đâm vào chân.- Một thằng nhóc láu táu trả lời.

Trái tim Phong như ngừng một nhịp. Cậu vội ngồi sụp xuống, chỉ
thấy mặt Nga tái mét, răng cắn chặt vào môi không kêu rên gì, hai tay túm chặt lấy một bên bàn chân đang be bét máu. Chân đã rửa sạch bùn, chỉ còn lại vài vết lem trên bắp chân trần trắng trẻo. Phong vội vàng chạy vào vườn chuối bên trong đê, vặt lấy một tàu nõn chuối, bỏ lên miệng nhai nát. Khi trở lại cạnh Nga, Phong ở áo, xé ra một bên cánh tay, rịt bã chuối vào chỗ miệng vết cứa trên lòng bàn chân, sau đó dùng vải buộc chặt lại để tạm cầm máu.

Phong làm nhanh và dứt khoát tới nỗi Nga chẳng kịp kêu đau. Cuối cùng, Phong bế Nga đặt lên xe đạp sau đó vội vàng đạp xe về phía làng, để lại xe lúa vẫn nằm chỏng chơ trên đê cho bọn trẻ con trông.

-Xin lỗi, cái áo của cậu…- Nga khẽ dựa đầu lên tấm lưng to bè, rắn chắc và đầy mùi mồ hôi của Phong, lí nhí nói.

-Nó sạch, không nhiễm trùng được đâu.- Phong cười đùa, mồ hôi trên trán vã ra như tắm, trái tim trong ngực như đang đánh lô tô.

-Thì tớ có chê nó bẩn đâu.- Nga vừa bực vừa buồn cười, giơ tay nhéo vào eo Phong một cái.

-Ái, đau…

Nga mỉm cười.

Giận hờn thế rồi cũng qua, chẳng cần nói hay làm gì nhiều.

-Cậu hứa sẽ viết thư cho tớ nhé!- Nga nói.

-Ừ.

-Trường Sa chắc xa lắm nhỉ?

-Ừ, bố tớ từng nói phải đi mấy tuần mới tới nơi.

-Cậu sẽ nhớ tớ chứ?

-Tớ không biết.- Phong đỏ mặt, ấp úng đáp.

-Sao lại không biết?

-Ừ, thì tớ nghĩ là tớ sẽ rất nhớ mọi người, cả cậu nữa.

-Ngoài biển chắc đẹp lắm?

-Bố tớ nói rất đẹp. Bố từng nói, ông yêu hai mẹ con tớ như yêu biển.- Phong cười.- Và tớ cũng thế, sẽ yêu biển như yêu cậu.

-Hả? Cậu nói gì?- Nga rướn cổ hỏi.

-Không có gì! Tớ chỉ bảo không biết lúc tớ về thì cậu đã vớt hết bèo ở cái khúc sông này chưa?

-Ngốc thế, người ta đi học xa mà.

-Ừ nhỉ, quên đấy!

Sau lưng hai người, màu lục bình nhuộm tím một vùng quê!
2hi.us