Disneyland 1972 Love the old s
Truyện ngắn-  EM TỪNG NGHĨ MÌNH KHÔNG THỂ BÊN NHAU, NHƯNG... EM SAI RỒI!

Truyện ngắn- EM TỪNG NGHĨ MÌNH KHÔNG THỂ BÊN NHAU, NHƯNG... EM SAI RỒI!

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện ngắn- EM TỪNG NGHĨ MÌNH KHÔNG THỂ BÊN NHAU, NHƯNG... EM SAI RỒI!

Tranh thủ giao ca, tôi đứng chỗ lan can phía ngoài phòng khám, ngây người ngắm hai cây hoa sữa đang mùa hoa trổ phía bên kia đường. Con phố này vẫn được người ta gọi bằng cái tên tự đặt là phố nữ sinh. Bởi chiều nào giờ tan học, lớp lớp áo dài trắng kéo qua đây với những âm thanh vui đùa khúc khích, đẹp đến ngây người, tinh khôi đến ngây người, nhất lại vào mùa thu, trời xanh ngắt không một gợn mây phụ họa thêm sắc trắng xanh của những bông hoa sữa.

Tôi không biết hai cây hoa sữa có từ lúc nào nhưng quãng thời gian chắc không hề ngắn. Xem nào, tôi về đây nhận công tác cũng được năm năm rồi, 30 tuổi, không ít chút nào, đủ vắt vai duy nhất một mối tình đúng nghĩa, tức là có thể gọi thành tên, không phải kiểu thương thầm trộm nhớ. Chính là em, cô nữ sinh với nụ cười lấp lánh đã đánh cắp tâm trí tôi suốt mấy năm nay mà không hề hẹn ngày mang nó trở lại.

Tôi chẳng còn trẻ để con tim bồng bột cảm xúc nhưng sao bóng hình em cứ xoắn xuýt lấy tâm trí và thi thoảng, quặn thắt con tim tôi độ ấy? 30 tuổi, không gia đình cũng chẳng thấy người thương nhớ, suốt ngày chỉ quẩn quanh với công việc, hết ca bệnh nọ đến ca bệnh kia, nhiều người trong bệnh viện gọi tôi là "lão già ba mươi", tôi cười xòa vui vẻ, họ không biết, tôi nhớ em, rất nhớ!

Lần thứ nhất...

Lần đầu tiên gặp em là lúc tranh thủ trông hàng bánh sinh nhật ngay gần bệnh viện giúp cô tôi. Trước lúc đi cô tỉ mẩn dặn dò từng đơn hàng một, nếu có người đến thì gói hàng cho họ. Em là vị khách cuối cùng, gói bánh cho em xong cũng là lúc cô tôi vừa về kịp. Vẻ ngây ngô của cô nữ sinh ngày ấy làm tôi muốn trêu chọc quá chừng. Em đến, chưa kịp để tôi hỏi đã "ốp" luôn:

- Cháu đến lấy bánh, chiếc một tầng, phủ socola!

Em cố kéo dài giọng lúc gọi tôi. Tôi ngạc nhiên, em gọi tôi là chú sao? Trước giờ bệnh nhân đến, kể cả những em nhỏ hơn em cũng chỉ gọi tôi là anh thôi. Ai cũng bảo tôi trẻ lâu, vậy mà... Tôi ngước lên, bắt gặp em đang cười khúc khích trước phản ứng "đơ toàn tập" của mình thì hơi tức và muốn trả đũa em một phen. Đưa hộp bánh cho em xong, tôi nắm cổ tay kéo em đi thẳng vào quán cafe cách đó một dãy nhà mặc kệ cô tôi mắt tròn mắt dẹt. Đến nơi, tôi đẩy em ngồi vào chiếc ghế kê ở góc quán, lớn tiếng gọi người phục vụ quen mặt, em vẫn bị bất ngờ nên yên lặng nhưng lúc sau khi nghe tôi hỏi thì lại khác:

- Nói ngay, sao dám trêu tôi?

Em hét toáng lên trước con mắt kinh ngạc của tất cả khách và nhân viên trong quán:

- Chú à, con nom chú cũng lớn tuổi rồi đó, nên cư xử đúng đắn đi, đừng có thấy con nhỏ mà bắt nạt nha!

Đến lượt tôi há hốc trước thái độ của mọi người dành cho mình. Con bé này... em giỏi lắm. Tôi bấm bụng nhìn em cười đắc thắng rồi nhảy chân sáo ra khỏi quán.

Sau hôm đó, tôi vừa tức, vừa... buồn cười, nhớ mãi em với ánh mắt tinh khôi trong trẻo và tia cười tinh nghịch lấp lánh đã "chơi xỏ" tôi hai lần liền trong cùng một buổi chiều. Được, được lắm!

Lần thứ hai...

- Bác sĩ Minh, có ca cấp cứu!

Nghe gọi tên mình, tôi gần như bay sang phòng cấp cứu, một ca bị mất máu nhiều, tôi đón bệnh nhân vào, cửa phòng y tế đóng sập, bỏ ngoài tai những lời rên rỉ than khóc nhưng vẫn kịp nhận ra em với rèm mi ướt nhòe. Không được phép phân tâm, tôi đanh mặt, tập trung hết sức cho ca bệnh của mình.

Tôi nghe y tá sơ lược lại tình trạng. Nạn nhân bị chém vào bả vai, mất máu nhiều dẫn đến hôn mê. Tôi thoảng nhìn gương mặt đang dần trắng bệch đi của chàng thanh niên trẻ, tự nhắc mình phải nhanh hơn nhưng không được phép mất bình tĩnh, mắt liên tục ngó điện tâm đồ. Sau gần một tiếng, cuối cùng tình trạng cũng dần ổn định, tôi thở phào, vứt nốt phần việc còn lại cho bác sĩ trực ngày hôm đó rồi lững thững bước ra. Vẫn thấy em ngồi ở hàng ghế chờ, gần như gục xuống đôi tay run rẩy, không nhận ra cửa phòng cấp cứu đã mở từ lâu. Tôi tiến đến, lay vai em:

- Này...

Em ngước nhìn tôi, ánh mắt thất thần. Tôi định nói nhưng em lên tiếng trước:

- Anh ấy sao rồi?

Nhận ra hơi thở em đứt nhịp đợi chờ. Tôi đáp:

- Ổn hơn rồi!

Em thở phào, tôi tiếp:

- Bạn trai sao?

Em định cười mà không nổi:

- Là anh trai!

Tôi nhìn thần sắc em nhợt nhạt, vệt máu loang dài trên vạt áo trắng tinh, lòng chợt thắt lại. Tôi đẩy em ra phía cửa, nói vội vàng:

- Về nghỉ đi, thủ tục để tôi lo giúp. Tạm thời chỗ này, không cần em!

Câu chuyện tiếp tục khi đến ca trực của tôi. Mẹ em vì quá hoảng hốt nên phải nằm truyền dịch từ sáng. Em xuất hiện ở phòng bệnh, nom đã tươi tắn hơn nhiều. Thấy em vào, tôi hỏi không còn người nữa sao, em đáp rầu rầu:

- Nhà em bây giờ chỉ còn ba người , lại xa quê. Năm em được 7 tuổi, bố cùng anh trai lớn đi phượt xuyên Việt, cuối cùng ngã lúc qua đèo, cả hai cùng mất... - nước mắt em nhạt nhòa nói lời cảm ơn tôi, khác hẳn với lần gặp trước đó. Tôi không thể ngờ chủ nhân của nụ cười, của ánh mắt tinh nghịch ấy lại ẩn sâu trong mình những nỗi đau quá lớn như vậy. Tôi hỏi han đủ điều, em sống có ổn không? Em bảo có, mẹ em còn lao động tốt, anh trai còn lại đủ sức gánh vác gia đình nhưng nông nổi, vừa rồi vì em bị người ta trêu trọc nên không suy tính mà đánh nhau với người ta, cuối cùng thành ra như vậy. Tôi cười buồn an ủi em:

- Sẽ không sao đâu!

Anh trai em xuất viện, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau, tôi thường trở lại nhà em vào quãng thời gian ngắn sau đó, để thăm khám tình nguyện cho anh trai em đến khi bình phục hẳn. Nói hơi mục đích là vì em, để tạo mối quan hệ thân thiết nhưng cũng thực sự quý mến. Em cũng năng ghé thăm tôi, khi là bữa cơm trưa em nấu, lúc là hộp bánh ngọt em tự làm. Tôi biết, tình cảm đã tiến xa hơn là sự biết ơn, từ ánh mắt em, tôi đoán biết được.

Chưa một ai mang đến cho tôi những xúc cảm rạo rực độ ấy. Người con gái với ánh mắt trong, tôi đã nắm tay em vào một chiều mùa thu gió lộng, như hôm nay rồi choàng ôm em trong hơi gió lạnh ùa về, em cười, không còn tinh nghịch chọc phá tôi mà nói:

- Một tháng nữa mới là sinh nhật em!

Tôi học em, trêu chọc:

- Cái ôm trước thềm 18+ một tháng, ok?

Cả hai chúng tôi cùng cười phá lên về mức độ "bựa" tăng cao ngùn ngụt của mình. Tôi nói tôi học em, em cãi là tôi vốn không "trong sáng" còn đổ thừa cho người khác. Lại cười, lại cãi nhau chíchóe. Tôi tự cười mình, ba mươi tuổi mà cứ bên em, đến bao giờ mới hết trẻ con đây?

Tôi nhận phụ đạo cho em trong kì ôn thi, em nói tôi khôn lỏi, tôi bảo được phụ đạo miễn phí, không thích sao? Em bướng bỉnh:

- Cấm được lợi dụng ngắm em trong lúc giảng bài.

Tôi cãi cố:

- Không được cấm!

Kì thực đó đã là thói quen, cứ muốn nhìn mãi cặp mắt trong, lóng lánh, nom đáng yêu vô cùng. Em là ai giữa cuộc đời này và... đến bao giờ, tôi mới hết yêu thương?

Em đỗ đại học trong niềm vui ngỡ ngàng, ríu rít như con chim non cạnh tôi ngày ấy:

- Anh đã hứa đi Sapa này, đi biển này, bao giờ em mới được lĩnh thưởng đây?

Tôi cười, âu yếm vuốt ve vạt tóc mềm lòa xòa trên trán em, nựng nịu:

- Cố gắng đợi thêm nha, dạo này anh bận quá!

Em xịu mặt, niềm vui chưa kịp thắm thì nỗi buồn đã đến bủa vây:

- Mẹ về Sài Gòn, em chọn trường ở đó cho gần mẹ, đợi anh trai thu xếp công việc xong cũng chuyển vào luôn.

Tôi lặng người, phải xa em

sao. Em đi về, suốt mấy ngày liền sau đó chúng tôi không nói chuyện. Tôi ra sức thuyết phục em ở lại, rằng đi lại bây giờ đâu có khó khăn chi, em lắc đầu nguầy nguậy, quệt nước mắt:

- Mẹ em một mình mười năm nay rồi, lúc này cần đoàn viên, ở đó có họ hàng nhưng không thể thiếu chúng em.

Tôi nôn nóng xin nghỉ phép bằng được. Biển Cam Ranh đón chúng tôi rực rỡ cát vàng, em hét thật to tên hai đứa, đáp lại chỉ có tiếng gió lùa qua kẽ tóc. Tôi ôm siết em trong vòng tay rộng, hẹn một ngày quay lại đây với những nụ cười con trẻ. Mắt em lấp lánh:

- Mình giả vờ chụp ảnh cưới đi anh!

Em làm cô dâu, tôi chưa từng thấy ai đẹp đến thế . Vẫn ánh mắt trong và nụ cười tinh nghịch nhưng đằm thắm hơn. Em mặc váy cưới, kéo tôi với bộ thường phục vào những bức hình nhí nhố. Cung đường biển ở Cam Ranh, được mệnh danh đẹp nhất thế giới ấy như là thiên đường đón những dấu chân hạnh phúc. Tôi đặt lên môi em một nụ hôn ấm vừa kịp lúc ống kính máy ảnh của đứa bạn thân lia đến, nó vỗ tay rồi nhìn tôi đắc thắng:

- Cưới thật thôi, giả vờ chi cho mệt. Cô dâu của mày đẹp quá, Minh à, làm tao muốn cưới vợ thêm lần nữa.

- Mày có cưới chục lần nữa cũng không kiếm được cô dâu đẹp thế này đâu. - tôi hét thật to át tiếng sóng, tiếng gió, quàng tay qua vai em rồi hỏi:

- Anh nói có phải không?

Em phụng phịu gỡ tay tôi, chạy vội vào trong thay bộ váy cưới, chỉ lát sau đã hòa mình với biển, em bơi rất cừ, chắc chắn ngang ngửa tôi nhưng tôi lại cố tình giả vờ trêu chọc:

- Giỏi quá, anh không biết bơi đâu.

Em chìa môi:

- Bác sĩ "gà công nghiệp".

Tôi xuống nước đòi em dạy, và bơi được sau hai câu hướng dẫn của em, em tức tối chành chọe tôi:

- Dám lừa em.

Ôm miết em vào lòng, tôi thầm thì:

- Em mạnh mẽ vậy, anh mà thiếu bản lĩnh, sao lo được cho em...

Tính đó mà cũng ba năm rồi. Em vào Sài Gòn, dạo đầu chúng tôi vẫn liên lạc, sau những cuộc gọi thưa dần, đến một lúc tôi không thể gọi cho em được nữa. Tôi hụt hẫng, và đau, tự nhiên mất đi một bóng hình thân thuộc mà mình thương nhớ. Đã có những đêm để nỗi nhớ cào tim, tôi không biết làm cách nào để thấy lại em. Tôi không quên giấc mơ thấy em làm cô dâu của mình, nó vẫn trở đi trở lại như là thói quen, ánh mắt em trong những bức hình lưu giữ, tôi không bao giờ quên được, cả lời hứa của em:

- Rồi sẽ có ngày em làm cô dâu, của chính anh!

Câu nói đó đã rất xa, tôi vẫn mong nó sẽ thành sự thật, chưa bao giờ tôi hết hi vọng, thực sự chưa bao giờ... Tôi đã nghĩ suy chán chường, không thể nào tiếp tục sống những tháng ngày như thế nữa. Dù mọi chuyện ra sao, niềm hi vọng cũng cần một lí do để kết thúc.

Ngày làm việc cuối cùng trước kì nghỉ phép một tháng, tôi đang bàn giao công việc để vào Sài Gòn một thời gian. Phải thấy em, tôi tự nhủ lòng như vậy.

Giờ nghỉ trưa, tôi thu dọn số tài liệu còn lại trong phòng thì nghe có tiếng gõ cửa. Tôi mời vào ngay, đoán chắc là trợ lí giám giám đốc bệnh viện mang tới một số giấy tờ cần thiết nhưng lúc chưa ngẩng lên, tôi nghe một giọng nữ rất ngọt:

- Cơm trưa với sườn rán chua ngọt, Bác sĩ Minh thấy thế nào?

Tôi giật mình ngẩng lên, là em với nụ cười bừng sáng, vẫn áo dài trắng như cô nữ sinh ngày nào, tôi thấy mình say trong sự tinh khôi ấy. Tôi ôm chầm lấy em, sợ em sẽ xa tôi lần nữa, thoáng nghe em thì thầm:

- Em từng nghĩ sẽ chẳng thể bên nhau, từng tin không thể nào giữ nhau xa xôi như thế. Nhưng em nhầm rồi, cả anh và em vẫn đợi được vì tin yêu - tôi nghe tiếng em thút thít - Mình cưới, nha anh!
2hi.us