Truyện Ngắn - Dấu Hỏi Lặng

Truyện Ngắn - Dấu Hỏi Lặng

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Dấu Hỏi Lặng

Cuối tuần trước nàng đã đưa đám người tình thứ mười bảy. Vâng, thứ mười bảy trong số hăm ba người xếp theo thứ tự.

Ông ta thuộc diện khá được ưu ái, lại cùng sống trong một khu phố với nàng, một đạo diễn điện ảnh hết sức phong nhã.

Mở đầu vị nhà thơ số tám ra đi trước tiên, rồi tiếp đến ông họa sỹ độc thân số mười một. Năm ngoái, tới lượt ông trung tướng về hưu số năm. Cả ba người xấu số đều được nàng tặng những bó hồng bạch và tiễn đưa đến tận lúc họ lên xe ô tô.

Bao giờ cũng thế, nàng đợi cái quan tài của người tình đặt yên vị trên xe tang, khi ai đó đứng lên nói lời cảm tạ bà con thân bằng cố hữu, nàng mới từ cuối dòng người lặng lẽ đi tới nghiêng người đặt bó hoa hồng bạch trên nắp quan tài, mặc cho những đôi mắt tò mò nhìn nàng. Nàng kiêu hãnh vì được đàng hoàng vĩnh biệt người bạn tình, như thể nàng thách thức cả thế gian này đàm tiếu. Rồi nàng thong thả quay về nhà.

“Hãy tha lỗi cho em. Em đã không dám mang khăn sô, mũ mấn, không dám níu quan tài anh để thỏa sức nức nở. Những giọt nước mắt đau đớn em xin gửi vào những cánh hồng. Hãy nhận lấy tình em, anh yêu…”

Rằm tháng bẩy theo gợi ý của lão hàng mã, nàng sắm gươm, kiếm và một con ngựa bạch cho ông trung tướng. Dưới cõi âm các quan đi làm việc đều phải đầy đủ lệ bộ như vậy. Với ông thi sỹ, lão hàng mã cho rằng cần cấp một căn nhà, tiền vàng, đô la thật nhiều để ông ta yên tâm làm thơ. Ông họa sỹ ngoài bút vẽ, sơn dầu, phải có dăm chai rượu ngoại. Tốn kém nhưng khi hóa vàng nàng vô cùng thỏa nguyện. Đêm mười sáu nàng mơ thấy cả ba ông đều về, mỗi người một vẻ xúc động…

Tất cả những điều này tôi biết được nhờ hai cuốn nhật ký nàng để lại. Hai cuốn nhật ký ấy đến tay tôi bất ngờ như những mảnh thiên thạch rơi xuống từ cơn mưa sao. Trước hết nó làm tôi choáng váng. Không thể tin người đàn bà gù bé nhỏ bán sách báo ngay cùng nhà tôi lại có nét chữ đẹp đến thế. Tưởng chừng mỗi nét nàng đều trân trọng nắn nót. Ông giáo già độc thân khó tính như tôi nhưng nhìn trang giấy với những hàng chữ gọn gàng đều tăm tắp, tự nhiên tôi sinh ra kính trọng nàng. Bằng nét chữ, nàng bỗng thoát xác thành con người khác, một tiểu thư gia giáo, mơ mộng. Người đàn bà gù tội nghiệp thường ngày chỉ là cái vỏ xấu xí của một nàng tiên bị đày đọa.

Trong những trang sổ còn phảng phất mùi thơm của những cánh hồng khô, tôi vừa đọc vừa đoán những tên người viết tắt, những ý tứ lấp lửng rất tế nhị. Giữa hăm ba người tình, ông trung tướng có tên là "phờ", Phan, Phúc, Phú đây. Còn "phờ" thêm gờ phía sau như ông đạo diễn chắc mang tên Phong hay Phùng gì đó. Người duy nhất tôi biết cụ thể là diễn viên đóng vai Chí Phèo, mang số mười ba. Anh ta được dán kèm tấm ảnh cắt trong họa báo. Nàng say đắm cũng sớm tuyệt vọng ở mối tình ấy.

“Sao anh nhìn em quá thờ ơ như thế? Anh không nhận ra bàn tay em run rẩy khi trao cho anh mấy tấm phong bì ư? Anh cũng không nhận ra chút mẹo vặt để sáng nay em được nấn ná thêm một lát bên anh ư? - Tôi không có tiền lẻ trả lại anh đâu. Tôi cho anh nợ vậy - Để tôi đi đổi - Sáng sớm mai ít người có sẵn tiền lẻ. Thôi anh cứ cầm lấy, tôi biếu anh, lúc nào tiện anh ghé qua mua báo giúp tôi là được - Đừng… chị làm tôi áy náy quá…”

Anh cứ lục túi áo mãi. Chợt anh reo khẽ. Trời ơi, lúc đó đôi mắt anh sáng lên niềm vui hồn nhiên biết bao. Anh tìm thấy một tờ năm hào nằm quăn queo ở góc ví. Anh cố vuốt phẳng lại. Em đi vòng ra trước quầy hàng để nhận tờ năm hào bằng cả hai tay. Điều cốt yếu, như thế, em được sát gần anh hơn, được cảm thấy hơi ấm từ thân thể cường tráng của anh lan thấm vào em”.

“Anh đi rồi, cái giọng trầm êm với tiếng cười nhẹ nhàng, cứ khiến lòng em đau thắt. Bao giờ em lại được nghe anh nói cùng em lần nữa? Em cầu Trời khi nào về qua đây, anh sẽ ngoái nhìn em mỉm cười, như thể chúng ta có một chuyện riêng tư với nhau đã từ lâu lắm. Sẽ đúng thế phải không anh, dù chỉ một lần thôi…”.

Đêm đó cũng như nhiều đêm sau, nàng mơ thấy anh ta, những giấc mơ nồng nàn, ngọt ngào.

Song chưa đầy ba tuần sau, nàng bỗng bắt gặp anh ta đi sóng đôi với một cô gái xinh đẹp. Họ cười nói ra chiều lơi lả. Họ đi sát qua quầy sách báo tưởng chừng cố tình trêu ngươi. Anh ta không hề lướt mắt tới cái nhìn ngây dại tuyệt vọng của nàng. Chưa bao giờ nàng bị tổn thương đến thế… Vĩnh biệt mối tình số mười ba ngắn ngủi! Nàng không giận anh, nhưng cố quên anh đi.

Xin vong linh nàng tha thứ, tôi không dám kể lại tất cả hăm ba mối tình si mê tội nghiệp của nàng. Nó chỉ là một chuỗi khao khát dày vò. Hoặc nàng tự huyễn hoặc mình để xoa dịu sự dối trá lớn nhất nàng muốn để lại cho thế gian.

Dù sao tôi cũng đã đọc cả hai cuốn sổ không bỏ qua một dòng nào, sau khi tìm thấy chúng trong cái hòm sắt nhỏ.

Và tôi đã tiếp nhận chuyện hăm ba người tình của nàng hết sức nghiêm túc, thậm chí với niềm thương cảm sâu sắc.

Chẳng lẽ chúng ta những kẻ lòng dạ đầy ác độc, không bao giờ tha thứ cho kẻ phản bội, lại chê cười một trái tim chỉ biết yêu thương, yêu thương không đòi hỏi, không thù hận hay sao? Trái tim ấy hồn nhiên khao khát được hiến dâng, bao dung hỉ xả đến mức thánh thiện. Nó đã không bị sự mặc cảm dung tục làm vấy bẩn. Nó khiến cho tôi phải gọi con người mang trái tim đó bằng Nàng, dù nàng xấu xí đến đâu, thậm chí già nua hơn nữa.

Chuyện này xảy ra từ buổi trưa nay, khi bỗng dưng tôi tỉnh giấc bởi thứ tiếng ồn ào đâu đó vọng tới. Rồi có tiếng gõ cửa phòng. Lão Đúa xuất hiện với đôi mắt thất thần nhìn tôi.

- Ông giáo ơi, cô Huệ chết rồi.

Tôi bật dậy. Suốt từ khi chúng tôi làm hàng xóm với nhau, tôi nhớ không lầm, lão Đúa chỉ bước chân vào phòng này buổi chiều mồng một Tết mỗi năm. Thế nên sự xuất hiện đột ngột của lão cộng thêm mấy lời thông báo ngắn ngủi cứ làm tôi ngây ra. Đôi dép như biến mất dưới chân tôi:

- Làm sao cô ấy lại chết?

- Chiều nay tôi không thấy cô ấy dọn hàng, mà gọi cửa gửi chìa khóa mãi mà không được, tôi sinh nghi gọi bác Tài gái cạy cửa vào… Cô ấy nằm trên giường như ngủ mới lạ ông giáo ạ.

Tôi chợt hiểu tiếng xì xào chắc hẳn từ dưới đó. Tôi cùng ba hộ khác sống trên khu nhà chính, lão Đúa với cô Huệ chia thành hai hộ ởcái ga ra phía sân sau. Hàng ngày hai tấm cửa gỗ ga ra đều đóng. Lão Đúa với cái xe đẩy bán tạp hóa rong, chưa ra khỏi ngõ đã nghe tiếng loa điện eo éo: Một người đi với một người, một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn… Còn nàng, quầy sách báo dọn ngay dưới gốc cây sấu già đầu ngõ. Khu nhà chúng tôi sống hết sức êm đềm, hầu như chưa xảy ra sự cố gì cho tới hôm nay.

- Vậy bây giờ phải đi trình báo. Thủ tục rầy rà lắm đây.

- Vâng, bác Tài đã đi báo công an phường. Bác Thu gọi điện thoại cho người nhà cô ấy trên Hà Giang về.

- Cô ấy có người nhà ở Hà Giang ư?

- Vâng. Trong khi chờ đợi chúng tôi muốn mời ông giáo cùng xuống xem xét…

Tôi đã mặc xong quần áo, theo chân lão Đúa xuống sân. Trên con đường ngắn ngủi ấy toàn bộ những hiểu biết về người đàn bà gù được tôi tập hợp lại. Ô, hóa ra tôi chẳng biết nhiều nhặn gì ngoài quầy sách có nhiều tiểu thuyết Mỹ cho thuê, cái bóng dáng dị dạng hàng ngày qua lại lặng lẽ, tiếng thưa gửi nhỏ nhẹ như luôn biết thân biết phận, cố gắng để không làm phiền ai,

cố gắng để ít ai nhìn ngó đến mình.

- Ông nói cô Huệ có người nhà ở Hà Giang, họ là thế nào với cô Huệ vậy?

- Hai người anh ruột, ông giáo ạ. Cô ấy nghe đâu con nhà buôn bán khá giả nhất vùng. Sau khi cha mẹ chết anh em ăn ở với nhau không được hòa thuận, cô ấy bỏ lên Hà Nội, không bao giờ về nữa. Mà xem chừng hai ông anh cũng tệ, tôi chưa thấy họ tìm đến đây thăm nom cô ấy một lần nào.

Cái ga-ra được ngăn đôi bằng bức tường xây, lúc nào bên trong cũng tối nhờ nhờ. Được cái cả hai bên đều ít đồ đạc nên họ sống khá gọn gàng. Chưa kể cái tủ phấn với tấm gương lớn, cái giường trải đệm hoa rất sạch đã khiến căn phòng của nàng trở nên ấm cúng. Nàng nằm đó, dưới tấm chăn xanh nhạt. Một vệt nắng lướt trên đôi dép nhựa ngay ngắn dưới chân tường… Tôi, lão Đúa cùng dăm người đàn bà trong khu nhà đều bỗng dưng dè dặt trước cảnh bình yên thanh khiết đó.

Cuối cùng người ta kết luận nàng bị đột tử do trụy mạch tim. Đến sẩm tối điện từ Hà Giang về cho biết không tìm ra địa chỉ mới của hai người anh, từ khi họ kéo nhau đi Trung Quốc. Dân cư khu nhà chúng tôi thống nhất sẽ đứng lo tang ma đầy đủ cho khỏi tủi vong linh người đã khuất. Xem ra cách ăn ở khiêm nhường của nàng rất được cảm tình xóm giềng.

Cái hòm sắt nhỏ được mở khóa dưới con mắt chứng kiến chung. Tài sản có đôi nhẫn vàng, một cuốn sổ tiết kiệm gần ba triệu đồng, vải vóc loại sang trọng, những thứ chúng tôi chưa hề thấy nàng mặc bao giờ.

Tiền nong thừa lo đám tang, kể cả việc mua một khu đặt di hài vĩnh viễn sau khi hỏa táng. Một tiểu ban tổ chức được cử ra để lo toan tất cả mọi việc. Riêng hai cuốn sổ nhật ký họ trao cho tôi xem xét. Lỡ có điều gì quan trọng ghi lại trong đó…

Đêm ấy tôi cùng lão Đúa, hai lão già độc thân khó ngủ, tự nguyện thức trông coi nàng. Lão Đúa pha một ấm trà ngon, chong đèn sáng choang, mở tung cửa, lúc thắp hương, lúc lại ngồi thừ bó gối nhìn ra mảnh sân chung với cây bàng non xào xạc hai tán lá đầu tiên. Còn tôi, tôi mải mê đọc, chìm vào thế giới đầy huyền hoặc của nàng giữa mùi hương phảng phất.

Đêm đêm trong căn phòng này nàng đã mơ những giấc mơ vô cùng ngọt ngào. Những người tình đã tới thủ thỉ bên gối nàng cả ngàn lời âu yếm. Không ai gian dối, không ai thô lậu, vô tình, mọi người đều tìm cách chiều lòng nàng, nhận sự hiến dâng của nàng như nhận một ân phước. Đêm đêm những vòng tay ân ái nâng niu đưa nàng vào giấc ngủ êm đềm… Có một cuộc du lịch nho nhỏ với ông nhà báo, nhưng giữa đêm nàng tỉnh giấc vì cơn mưa phá vỡ. Nàng tiếc vô cùng, không rõ chuyến đi du lịch kết thúc ra sao. Hơn thế nàng thức dậy đúng khi ông ta đang kéo tay nàng dìu vào một vòm cửa tòa lâu đài.

Cả người nàng ớn lạnh trong sự chờ đợi đôi môi người tình đặt lên môi nàng cái hôn đầu tiên…

Tuy nàng không viết rõ nhưng tôi hiểu trong tất cả những giấc mơ tình yêu ấy nàng thật xinh đẹp, óng ả với những bộ trang phục thanh nhã nhất. Nàng viết:

“Ta đi rất chậm. Gió từ lòng hồ làm bay tung hai tà áo vàng nhạt tựa như chút nắng mùa thu vương vất quanh ta. Những cặp mắt tò mò dõi theo. Ta muốn mỉm cười nhưng vờ thờ ơ. Ta đang hồi hộp thắt lòng chờ người ấy đến…”

Làm sao có chỗ cho một khuyết tật xuất hiện trong những giấc mơ tuyệt vời đó? Cái thực tế phũ phàng đã được nhốt kín lại. Bởi nếu nó sổ lồng, dù chỉ thấp thoáng, lập tức mọi thứ sẽ tan tành. Để chống lại sự dày vò tâm hồn nàng bằng cái lưng gù, nàng tìm cách thắng ông ta, thắng tuyệt đối bằng những giấc mơ. Ở khía cạnh ấy nàng thật đáng khâm phục…

Lão Đúa thở dài đánh sượt, dịu giọng hỏi tôi:

- Cô ấy viết gì nhiều vậy ông giáo?

- À, toàn chuyện loanh quanh nghĩ ngợi thường ngày.

- Có cần giữ lại cho người nhà cô ấy không nhỉ?

- Không cần. Mai tôi sẽ bỏ vào áo quan cho cô ấy. Những nghĩ ngợi chả liên quan đến ai.

Sao lại không liên quan đến ai? Thực lòng tôi muốn thông báo cho tất cả mọi người dù vô tình nhưng đã tới căn phòng này, họ phải mang những bông hồng bạch đến vĩnh biệt một trái tim từng yêu thương họ vô điều kiện, thổn thức vì họ ngày đêm, biến họ thành những trang nam nhi hào hoa lý tưởng, và ai cũng có phần trọn vẹn của người đó trong nàng… Nếu không, tôi xin hứa trước vong linh nàng, sáng sớm mai tôi sẽ mua mười chín bông hồng bạch đặt lên linh cữu thay mặt mười chín gã đàn ông vô tình bội bạc. Là tôi trừ cho bốn ông đã chết.

Lão Đúa lại thở dài.

- Ông giáo ạ… Lẽ ra sự thể đã không như thế…

- Ông muốn nói đến sự thể gì? - Tôi ngạc nhiên hỏi lão.

- Vâng, lẽ ra… lẽ ra… cái đêm ấy…

Bằng những lời gãy đôi gãy ba, lão Đúa kể cho tôi nghe về một đêm mưa cách đây chín năm.

Cơn mưa của chín năm về trước đã kéo dài từ chiều. Đến nửa đêm gió lồng lộng như bão. Đèn đóm cả phố tắt ngấm ngay chập tối. Lão Đúa đi nằm rất sớm. Tuy có chén rượu thuốc thường lệ bữa cơm chiều để dỗ giấc ngủ, nhưng lão cứ bồn chồn thao thức. Lão ngờ những vết thương trong người lại dở chứng. Khi người ta đã xấp xỉ năm mươi, không cần cái thẻ thương binh cũng đủ rệu rã. Huống hồ trong người lão mọi thành phần đều có địch nằm vùng, chỉ rình cơ hội phá hoại.

May sao quánửa đêm lão thiếp đi được. Nhưng lão lại choàng dậy ngay lập tức. Lão thức giấc vì hình như có tiếng động cửa liếp. Ờ, cái cửa vốn xưa nay chẳng muốn chặt chẽ với ai, cứ khẽ động là nó hồ hởi bung ra ngay. Rồi có thêm tiếng quần áo sột soạt. Lão Đúa không sợ ma, càng không sợ trộm. Nhưng dù sao cũng cứ nhồn nhột. Lão cần tìm cái gối gỗ cầm tay, ngồi nhỏm dậy đề phòng. Trong khung cửa bỗng nổi lên ánh sáng âm u của một làn chớp nhẹ. Lão nhận ra cửa đã mở toang và một bóng người đứng sững đó. Lão Đúa nín thở. Có giỏi vào hẳn đây, ông thì phang thật lực!

- Ông Đúa ơi, có nến không thế?

Lão Đúa hoàn hồn. Lão đã quá quen với cái giọng gượng nhẹ của cô hàng xóm.

- Có đấy. Để tôi lấy…

Lão lập cập que diêm soi tìm đôi dép. Ánh lửa bừng lên rồi tắt ngấm ngay. Lão quờ quạng chân trên mặt đất ẩm ướt… Bỗng nhiên một thân thể đàn bà ấm nóng, ngào ngạt mùi thơm nước lá gội đầu, cái thân thể ấy áp vào lão, bàn tay lần giữ áo lão không cho đánh diêm.

- Đừng… Em không cần ánh sáng…

Và mưa ở bên ngoài dữ dội hơn trước.

Lão Đúa đã dứt lời. Tim tôi cũng như ngừng đập. Lại còn thế nữa. Nhưng tôi cũng không hề đọc một chữ nào về chuyện lão Đúa kể, thậm chí cái tên lão cũng không một lần xuất hiện trong hai cuốn nhật ký. Tôi cứ chằm chằm nhìn lão nghi ngại. Còn lão không để ý đến phản ứng của tôi, chỉ lơ đãng ngó ra khoảng mông lung ngoài sân. Không, người như lão Đúa không thể bịa ra chuyện tày đình trước vong linh người đang nằm kia. Câu chuyện được tóm tắt quá ngắn gọn với lời kết luận nửa vời của lão Đúa càng chứng tỏ lão không có tính tô vẽ.

- Nghĩ cũng tội, con người ta thật là…

Một cơn gió lạnh đột ngột ùa vào phòng làm tắt ngọn nến đặt lên bát cơm trứng, như thể còn có người thứ ba vô hình lẩn quất quanh đây. Với vẻ bối rối, lão Đúa đứng dậy thắp lại ngọn nến.

Tôi nghe gáy mình hơi ớn lạnh. Biết đâu chẳng có sự hiển linh nào đó… Quả nhiên chưa đầy giây sau một tiếng dép khẽ khàng khua động. Có thể nàng sắp đi vào phòng, cầm lấy hai cuốn sổ nhật ký với vẻ giận dữ.

Nhưng người đi vào phòng lại là thím Thu,

người Tàu lai, ở ngay sát phòng tôi. Thím bê cho chúng tôi hai bát chè bột sắn trứng gà vừa nấu xong.

- Tôi cũng có ngủ được đâu. Nghĩ mà thương cô ấy. Chỉ vì ông trời bắt mang tật, chứ người tốt nết như cô ấy thiên hạ không dễ kiếm đâu các ông ạ. Tôi cũng đã làm mối khối đám nhưng cô ấy không chịu.

Tôi liếc nhanh lão Đúa. Thấy chưa, ông đừng tưởng cô ấy dễ dãi. Hãy ngắm thử cái mặt nhăn như trái táo héo xem. Cứ cho rằng chín năm trước ông còn phong độ hơn, nhưng ai đã bằng ai? Thân phận một anh bán tạp hóa rong, gia tài chỉ có cái xe đẩy, ông ngỡ mình báu lắm đấy?

Một chút ghen tức ùa vào lòng tôi. Tôi nghĩ đến cái thân thể còn trinh nguyên, cho dù có khuyết tật chăng nữa, với một tâm hồn ý nhị đầy mơ mộng kia làm sao có thể lạc vào vòng tay đen đúa khô cằn ấy được.

Thím Thu đã lên nhà. Lão Đúa pha ấm trà mới. Mùi sen bay hương trong chén nước tỏa khói, nó làm dịu đi cái lạnh lẽo trong phòng. Vào những đêm như thế này thiếu một tiếng khóc hờ khóc nỉ non thảm thiết của những người thân thì thật đau đớn cho người ra đi. Tôi chợt nhớ nàng từng ao ước cầu nguyện có một đứa trẻ để ôm ấp. Ơ, giá mà…

Tự nhiên tôi sinh độ lượng với lão Đúa. Có thể vì cái cử chỉ cung kính lão nâng hai tay chén trà mời tôi, có thể vì nhớ những dòng tâm sự mủi lòng khi nàng tự ví mình là một quả táo điếc, một người đàn bà bị nguyền rủa vì không được sinh nở… Tôi bỗng nhẹ giọng bảo lão:

- Nếu như cô ấy có được đứa trẻ để bồng bế cũng đỡ buồn. Cánh ta đàn ông đã đành, phải không ông?

- Vâng, tôi hiểu quá đi chứ. Cái đêm mưa gió đó hẳn là mong mỏi đến thế nào cô ấy mới liều lĩnh vậy. Nhưng…

Lão Đúa gằm mặt xuống vẻ đau đớn. Rồi sau vài giây yên lặng lão ngước nhìn tôi, cái nhìn sầu thảm thống thiết. Cả người lão run bắn lên.

- Tôi không thể… một mảnh đạn đã khiến tôi không còn ra giống người ông giáo ạ. Tôi âm thầm bỏ làng ra đây, tự coi như đã chết, cũng vì lẽ đó.



Tôi không dám nhìn lão nữa. Ôi cuộc sống tưởng chừng bình lặng trong khu nhà tôi, nó chứa đầy những cơn sóng ngầm dữ dội.

Tôi thắp thêm một tuần hương cho nàng. Dưới tấm chăn mỏng, hình hài nàng cong lại tựa hồ một dấu hỏi bất động.
2hi.us