Ring ring
Ông ơi!

Ông ơi!

Tác giả: Sưu Tầm

Ông ơi!

"Nội ơi! Sau này khi tốt nghiệp đại học, cháu sẽ đón ông, bà và cả nhà xuống thành phố chơi. Ông chờ cháu nhe!...sau này cháu sẽ làm ra thật nhiều tiền cho nội được sống sung túc..."


Và nội ơi, lời hứa đó cháu sẽ mãi không bao giờ thực hiện được. Và nội đã không giữ lời hứa với cháu. Nội đã ra đi mãi mãi...


***


1.


Khi cháu chào đời, nhà mình nằm ở tận trong kênh của huyện Kiên Giang. Nhà nghèo lắm, ba mẹ làm lụng vất vả nhưng cũng không đủ tiền mua sữa nên ngoài sữa mẹ, cháu phải uống thêm nước cơm đường. Lần nào nấu cơm thì ông đều dành riêng cho cháu một phần. Và từ đó trở đi, nước cơm đường được xem như là một phần không thể thiếu trong bữa ăn của cháu. Dù bây giờ cháu đã lớn nhưng ông vẫn có thói quen để dành cháu một ly nước cơm và vài miếng cơm cháy đã được vo tròn lại như quả trứng.. Ông thức suốt để đưa võng cho cháu ngủ; ông hát ru ầu ơ, ngâm thơ Lục Vân Tiên, thầy Mẫn Tử Khiên cho cháu nghe, ông chỉ cháu tạo hình những con vật qua cái bóng trên vách nhà, ông cõng cháu qua cầu khỉ để mua bánh kẹo.


Ông ơi!


Khi lúa đã vào mùa gặt nên ông phải ra ruộng ngủ để trông lúa. Ông bảo cháu ở trong nhà chờ ông ra dọn dẹp rồi sẽ cho cháu ra ngủ với ông. Cháu đã thức rất lâu để đợi ông nhưng ông không giữ lời hứa. Mặc cho ba mẹ dỗ dành, cháu vẫn khóc thúc thích và chỉ ngủ đi khi quá mệt. Sáng ra cháu đã giận và không thèm nói chuyện với ông một ngày.


Ngày đầu tiên đến trường, trời mưa tầm tã, ông phải dùng áo mưa được cắt từ chiếc bao bằng ni lông để cho cháu che người. Khi đến trường cháu đã khóc rất dữ dội khi nhìn ông chèo xuồng bỏ đi trong cơn mưa. Ngày đầu tiên đến trường, quần áo, sách vở đều ướt cả. Rồi những ngày nước lên, ông chở cháu trên chiếc xuồng để giăng cá, đặt lờ, hái bông điên điển...


Năm cháu học lớp 1. Trong một buổi ghé nhà bạn. Khi đang chơi, cháu thấy ông chạy xe đạp ngang qua. Một chút chần chừ, sau đó cháu bất chấp tất cả để cố chạy theo ông, vừa chạy, vừa khóc vừa kêu ông thật to. Ông bị lãng tay nặng nên ông không nghe cháu gọi. Chó sủa theo rất nhiều, cháu sợ lắm nhưng bỏ mặc tất cả, cháu không muốn ngừng lại, không muốn bỏ ông. Và cuối cùng, sau một đoạn đường khá dài, ông đã dừng xe và quay lại. Cháu đã khóc rất dữ dội.


Ông rất ít về nhà nhưng ông vẫn hay ghé trường và cho cháu một ít trái cây, ông mua thật nhiều bánh kẹo cho cháu, ông chở cháu đi chơi trên chiếc xe đạp.


2.


Đầu năm lớp 3. Sau khi ba mẹ chuyển nhà lên miền Đông, cháu không được gặp ông. Nhưng một thời gian sau ông đã chuyển về sống chung với gia đình. Sau này cháu mới biết rằng, khi cả nhà chuyển đi rồi ông buồn lắm và ông hay nói "mấy đứa đi không để lại cho tao một đứa cháu nào hết. Tao nhớ tụi nhỏ quá."


Có lần, khi cả nhà đang nghỉ trưa, ông dùng hết sức để tra nhớt vào cánh cửa cổng, nhưng loay hoay cách nào, cánh cổng rớt ra và ngã ầm xuống. Rất may nó sượt qua ông và cũng may là không có ai gần đó. Ba mẹ vừa lo vừa sợ nên đã lớn tiếng với ông. Ông sợ lắm và lần đầu tiên cháu thấy ông run, ông khóc. Ông sợ lắm, cháu chỉ biết ôm ông vào lòng và dỗ dành ông. Nước mắt ông cứ rơi và ông tựa vào lòng cháu mà khóc. Đừng khóc nữa ông ơi...


Và rồi cháu bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học. Lúc đó sức khỏe của ông đã yếu sau cơn bệnh nặng. Khi về nhà hình ảnh đầu tiên cháu nhìn thấy là ông nép mình sau cánh cổng trông chờ cháu. Cháu vừa tới ông đã ôm cháu vào lòng mà khóc. Mẹ bảo "ông đứng ngồi không yên. Mấy bữa con đi thi, ông nội cứ ra vô đợi chờ, lo lắng không biết xuống thành phố thi như thế nào? Có quen với môi trường ở đó không? Hôm nay biết con về thì ông nội cứ đi ra đi vô đợi". Ông ơi cháu thương ông lắm.


Rồi ngày cháu chuẩn bị xuống thành phố học, ông dặn ba phải ở một tuần để cháu có thể thích nghi và đỡ nhớ nhà, ông lo cho cháu từng li từng tí. Dù học ở thành phố nhưng cháu vẫn hay về thăm ông. Ông không ở nhà mà ở trong chùa làm công quả. Mỗi lần ghé, ông cho cháu ăn rất nhiều, những gì có được, ông đều để dành cho cháu, từ cái bánh, cây viết, quyển tập mới, hay những gói mì, đến chiếc radio mới nhất của ông.


3.


Đúng ra ngày mai mới nghỉ nhưng bữa nay cháu về nhà sớm.


Ông nấu cho cháu một tô mì thật to. Sau khi ăn xong, cháu nằm trong phòng nghỉ. Ông giăng võng phía trước. Có một người bạn của ông tới nói chuyện...


"Ông tư ơi, sau đang nói, ông ngã ngang ra vậy? con ơi ông của con bị sao nè."


Cháu lật đật chạy ra, chỉ thấy ông nằm dưới đất, người ông cứ giật liên tục, nước bọt chảy ra. Cháu chỉ biết vừa lay vừa gọi ông thật to. Lưỡi của ông tím ngắt và có máu chảy ra. Cháu cố nhét ngón tay mình vào để ông không cắn lưỡi nhưng cháu không làm được. Cháu gọi cho ba hay. Cháu cùng một chú trong chùa đưa ông vào bệnh viện. Cháu sợ lắm ông ơi! Vừa vào phòng cấp cứu, các bác sĩ, y tá vội vã tập trung lại. Họ bận rộn cấp cứu cho ông, người cho thở oxi, người xốc điện, tiêm thuốc... Cháu nhìn ông nhưng ông không mở mắt nhìn cháu. Cháu chỉ biết đừng nhìn ông mà khóc. Ông nằm đó, không động đậy. Cháu chỉ thấy những con số trên màn hình mà không biết đó là gì, cháu vẫn thấy nó hoạt động. Nhưng khi ba mẹ vào thì bác sĩ lại bảo rằng ông đã mất trước khi đưa đến bệnh viện. Cháu không tin, các con số vẫn còn đang chạy mà! Họ bảo rằng nó hoạt động là nhờ vào thuốc cấp cứu nhưng thật sự...ông đã mất rồi...


Vậy là ông đã bỏ cháu đi, ông không đợi đến lúc cháu làm lễ tốt nghiệp, ông không đợi cháu thành tài để có tiền đưa ông và cả nhà đi du lịch. Ông ơi! Ông đi rồi, cháu sẽ mất đi một người tri kỷ. Nếu không nói ra thì sẽ không ai hiểu được cháu đang nghĩ gì. Cháu mất đi một điểm tựa tinh thần. Sau này những lúc mệt mỏi trên con đường sự nghiệp, những vấp ngã đường đời thì khi về nhà, cháu đã vắng đi một người bạn. Ông ơi.......


Sam đất


 

2hi.us