Pair of Vintage Old School Fru
Một chỗ nương tựa

Một chỗ nương tựa

Tác giả: Sưu Tầm

Một chỗ nương tựa

Bà mẹ kể rằng lúc bà qua Hàn Quốc giữ cháu cho con gái đi làm, thấy nó thường xuyên bị chồng và gia đình bên chồng đánh đập, chửi mắng thậm tệ.


***


Nghe kể tới đó, tôi nghĩ chắc là nghe lầm. Hoặc bà mẹ cứ lảm nhảm vu vơ trong lúc trộn thính vô mớ cá rô để làm mắm mà hoàn toàn không ý thức được mình đang nói gì. Nhưng bà mẹ lại nhấn mạnh lần nữa, rằng nhiều lần bà thấy thằng rể ngoại quốc đối xử tệ với con gái (đã đẻ hai đứa con kháu khỉnh cho chồng), đánh con gái bầm mặt mũi chân tay, thậm chí còn bóp cổ nó muốn ngất xỉu. Chi tiết này được bà mẹ kể với chú Ba, thím Bảy, bà dì Út..., không sai lệch một chút nào.


Một chỗ nương tựa


Tôi tò mò không biết trước cảnh ấy, bà mẹ đã làm gì ? Bà mẹ phản ứng dữ dội và bảo con gái hãy trở về, làm lại cuộc đời ? Phía trước còn dài lắm, duyên trời dun rủi biết đâu sẽ lại lấy một tấm chồng tử tế, không thì cứ ở vậy, má nuôi. Không đi đường hoàng được thì trốn, đừng có sống cái đời sống tủi cực này, dù là một ngày. Bà dọa với con rễ và bên nhà thông gia là sẽ đi kiện, sẽ cầu cứu chính quyền (chỉ cần bà dọa thôi, còn làm hay không, biết cách hay không thì tính sau). Hay bà mẹ sẽ ngọt lạt bảo con thôi cố nhịn cho ba má lâu lâu đi Hàn Quốc chơi, bên này kiếm tiền nhiều hơn ở quê, gom được kha khá rồi về, bị đánh chửi thì coi như không, ba mày hồi trẻ cũng đánh chửi tao suốt, nhằm nhò gì.


Thắc mắc quá, không biết bà mẹ phản ứng kiểu gì trong suốt thời gian ở Hàn Quốc chứng kiến con cháu bị ngược đãi thậm tệ (như lời bà kể), nhưng rõ ràng bà thấy núm ruột của mình không hạnh phúc. Bà có giúp nó không ?


Ngay từ khởi đầu của bi kịch, thử hình dung bà mẹ nói gì khi con gái báo tin sẽ lấy chồng. Một ông chồng mặt mũi lạ hoắc nói năng bằng thứ ngôn ngữ lạc hoắc, cách biệt hai mươi tuổi và mới gặp nhau có ba ngày trên một cái chợ mà cô dâu bị săm soi như người ta coi vịt có bơm nước hay không. Cô dâu ấy là con gái mẹ, nó còn trẻ dại, ham vui, tin vào những bộ phim Hàn Quốc chiếu trên ti vi với cảnh đẹp lung linh và những anh chàng Hàn chung tình ấm áp, nhưng mẹ có tuổi, lẽ nào không lo âu với cuộc hôn nhân mù mờ trời đất này. Lẽ nào bà mẹ không băn khoăn như mẹ của mẹ từng thấp thỏm khi đàn trai đến dạm hỏi, "tao thấy thằng đó được, nhưng ông ngoại nó mê cờ bạc, không biết bây có phải chịu khổ không ?". Tôi biết có những mối tình lận đận chỉ vì nỗi ngờ ngờ "hồi đó ông nội nó có ba vợ", hay "bà con bên nhà đó toàn dân bất hảo, dọ kỹ nghen bây". Tôi biết những bà mẹ, con lấy chồng ngay bên sông thôi mà buổi lễ xuất giá hai mẹ con còn ôm nhau khóc ròng. Bà mẹ của cô dâu Hàn này chắc cũng khóc trong hôm con gái lấy chồng, nhưng cái cách bà để nó đi vào cuộc hôn nhân mang tính chất bán mua thì thật kỳ lạ. Cái bản năng bảo vệ, bao bọc cho con cái chắc không biến mất, nhưng bị che lấp ở đâu đó, không biết bà mẹ có từng như gà mẹ, xòe cánh bảo vệ cho bầy con mỗi khi thấy bóng ác là chao rờn rợn trong vườn ? Hay hồ hởi, rốt cuộc mình cũng có thằng rễ ngoại kiều y như bà Tư đầu xóm, như ai đó ở xóm Lung, ai đó đằng xóm Chẹt trong một phong trào rầm rộ mà mấy ông nhà báo chơi chữ gọi là "chảy máu cô dâu".


Thật lòng tôi ước ao bà mẹ đã ít nhất một lần ngăn con đi lấy chồng xa xứ, đã từng cố kéo nó khi thấy rơi vào vũng lầy của cuộc hôn nhân, đã từng cầu cứu với bà hội trưởng phụ nữ kiêm hàng xóm, hoặc ông trưởng ấp kiêm láng giềng – những người tương đối hiểu luật chút ít để nghe họ tư vấn xem làm cách nào can thiệp là tốt nhất. Không thể chờ đợi ở chính quyền, họ là người dưng, họ bảo họ là đầy tớ của dân là nói vui thôi, nhưng những thành viên trong gia đình làm gì để bảo vệ cho ruột thịt ? Bà mẹ đó ít nhất phải làm một việc gì, dù nhỏ, thí dụ như giựt cây chổi dứ đánh thằng rễ hung bạo, hoặc nếu sợ cái cảnh thế cô trên đất khách thì cũng lấy thân mình che đòn cho con nó đỡ đau và biết đâu thức tỉnh cái thằng người kia một chút gì bằng cái gọi là tình mẫu tử. Giống như đứa bạn ốm yếu cùng xóm mỗi khi thấy tôi bị bắt nạt nó cũng biết co giò chạy đi cầu cứu người lớn. Những hành động dù yếu ớt, nhưng đủ để con gái nhớ rằng nó còn có chỗ nương tựa, để trong lúc quẩn trí nhất, tuyệt vọng nhất nhìn cái chết đang giơ tay chào đón ở mặt đất, cách chỗ nó đang đứng một khoảng không chóng mặt được đo bằng mấy chục tầng lầu, hay lúc thần chết ngoắc nó từ đáy sông sâu, đứa con nhớ ra mình còn người thân để nương tựa.


Không phải đâu, chắc không phải bà mẹ chỉ vô tư vào ra trong cái nhà tường (được xây bằng tiền con gái gửi về), làm hủ mắm cá rô, vỗ béo bầy gà, mua đầu lân, sắm máy lạnh... để chờ đến cuối năm con cháu bồng bế nhau về ăn một cái Tết linh đình. Những biểu hiện của tình thương yêu đó, có vẻ ghỉ sét quá, so với những trận đòn tươi xoi xói mà bà mẹ biết chắc rằng đang trút lên đầu con gái mình ở nơi nào đó, xa xôi...


Thảm kịch của cô dâu Việt này có một lộ trình rõ ràng, phơi trắng ra dưới nắng, đâu phải như phim kể về đứa con giả vờ mình có đời sống hạnh phúc, cho cha mẹ yên tâm vui hưởng tuổi già.


Nguyễn Ngọc Tư

2hi.us