pacman, rainbows, and roller s
Bố luôn ở đó mà

Bố luôn ở đó mà

Tác giả: Sưu Tầm

Bố luôn ở đó mà

Vậy là ngày bố và tôi dự định đi du lịch cùng nhau cũng đã đến. Thay vì vui vẻ sắp xếp hành lý cho chuyến đi, tôi thẫn thờ nhìn không gian trống trải quanh mình. Giờ bố đã đi rồi, chỉ còn lại một mình, chuyến đi này trở nên thật vô nghĩa.


Từ lâu, tôi mê mẩn vẻ đẹp nên thơ của Đà Lạt và ấp ủ dự định đến đây vào năm 18 tuổi, sau khi vượt qua kì thi quan trọng, cùng với một người bạn thật đặc biệt. Bố tôi.


***


Bố luôn ở đó mà


Bố mẹ tôi ly hôn khi tôi mới 10 tuổi. Lúc đó, tôi đã quyết định rằng mình sẽ cùng mẹ sang Anh. Đêm trước khi đi, mẹ bảo tôi qua phòng bố ngủ cùng bố một đêm, vì có lẽ rất lâu nữa hai bố con mới được gặp nhau. Khi đi đến cửa phòng tôi đứng sững lại vì nghe thấy tiếng khóc như nghẹn lên phát ra từ trong phòng. Bố tôi lấy ra từ trong ngăn tủ khoá kín ở bàn làm việc một chiếc hộp lớn. Bên trong hộp có rất nhiều thứ: vài tấm hình siêu âm, mấy đôi giầy sơ sinh ngộ nghĩnh, cả lọn tóc hoe vàng và cái xúc xắc nhiều màu tôi hay chơi hồi nhỏ nữa. Bố lấy tất cả chúng ra, từng thứ một, nhìn ngắm hồi lâu rồi bật khóc. Tôi nhớ lúc đó tôi đã chạy ào vào phòng ôm lấy bố rồi nức nở khóc theo. Đêm đó, trong giấc mơ cả hai bố con cùng thổn thức.


Sáng hôm sau tôi nhất quyết ở lại cùng bố, dù mẹ có dỗ dành thế nào đi nữa. Vì tôi biết rằng bố cần tôi hơn. Chính bố cũng rất ngạc nhiên vì quyết định của tôi, nhưng tôi biết rằng bố đã rất hạnh phúc vì có tôi bên cạnh. Từ ngày hôm đó, cuộc sống mới của hai bố con bắt đầu.


Hàng ngày, sau giờ làm ở bệnh viện, bố tới trường đón tôi sau đó đi chợ mua thức ăn, nếu có ca cấp cứu hay việc gì đó đột xuất bố luôn gọi điện để tôi không phải đợi. Sau khi ăn tối, hai bố con ngồi kể cho nhau nghe những chuyện vừa trải qua trong ngày.Chuyện bố gặp một cậu nhóc vui tính, hăng say kể chuyện cười cho bố nghe khi bố đang mải mê chích cái u bã đậu trên chân cậu. Hay một chị cho con ăn quá nhiều cà rốt khiến bé bị vàng da, khi đưa con đến khám vì lo lắng quá chị ấy cứ liên tục hỏi bố: "Con cháu có bị nặng lắm không ạ?". Thấy bố có vẻ đăm chiêu. Chỉ ấy sợ đến tái xanh cả mặt mũi, hỏi tiếp một hồi : "Con cháu ốm nặng lắm sao? Con cháu phải làm phẫu thuật phải không ạ? Cần chuẩn bị bao nhiêu tiền?" Khi bố tôi bảo chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn cho hợp lý, không nên ăn quá nhiều cà rốt là hiện tượng vàng da sẽ hết. Chị ấy bất ngờ đến nỗi ngồi im, mắt tròn mắt dẹt nhìn bố. Bố phải giải thích mấy lần chị ấy mới yên tâm ra về. Tôi cũng huyên thuyên đủ thứ chuyện: chuyện ở lớp học thêm, chuyện cuộc thi văn nghệ ở trường, lớp tôi đã dành giải nhất nhờ tiết mục đơn ca của tôi và phần đệm guitar của cậu bạn cùng tổ. Có thể tôi chẳng giúp được gì trong những vấn đề của bố và bố chưa chắc đã đưa ra một lời khuyên hữu ích cho những rắc rối của cô con gái tuổi ẩm ương. Nhưng có hề gì, chỉ cần tôi và bố ở bên nhau, chia sẻ với nhau những câu chuyện nhỏ mỗi ngày. Để biết ở bên cạnh luôn có một người thân yêu sẵn sàng lắng nghe và chờ đợi mình sau những giờ phút mệt mỏi của cuộc sống ngoài kia. Với bố con tôi vậy là quá đủ.


Sợ tôi buồn, thỉnh thoảng bố lại đưa tôi đi ăn kem hay la cà đâu đó. Dù tôi chưa bao giờ kể với bố nhưng bố vẫn biết tôi hay đi đâu, thích ăn gì. Những buổi đi chơi với bố đó luôn là điều tôi chờ đợi mỗi ngày, dù mỗi tháng hai bố con chỉ đi chơi được một lần, có tháng thì không. Tuy không có mẹ bên cạnh, nhưng bố chăm sóc tôi còn chu đáo hơn cả những gì một người mẹ có thể làm cho con gái của mình. Trừ những hôm bố phải trực đêm và không ăn cơm cùng tôi, tất cả những bữa hai bố con ăn cùng nhau bố đều dành phần rửa bát. Bố nói da tay của tôi rất mỏng không nên ngâm nước lâu, da sẽ bị nước ăn tróc ra nham nhở mất. Tôi bảo đeo găng tay sẽ không sao cả, nhưng bố nhất định không đồng ý vì sợ mùi cao su ám vào tay tôi. Bố còn dặn: "Sau này khi con lấy chồng hãy chọn một anh chàng chịu rửa bát vì con như bố. Đến lúc đó bố và anh chàng của con sẽ thi xem ai rửa bát nhanh hơn". Đã hứa rồi sao bố lại nỡ bỏ tôi lại một mình như vậy?


* * *


Đang ngồi bần thần, chợt tôi nghe thấy tiếng chuông cửa. Một gói bưu phẩm từ công ty du lịch được gửi đến cho tôi, bên trong là vé máy bay đi Đà Lạt, một cuốn "Cẩm nang du lịch" và một chiếc khăn len màu hồng phấn. Còn có cả một bức thư, là nét chữ dài quen thuộc của bố:


Gửi con gái cưng !


Bố biết con rất háo hức về chuyến đi Đà Lạt của hai bố con mình, bố cũng háo hức không kém gì con đâu! Bố đã chuẩn bị cho con vài thứ cần cho chuyến đi, để con gái bất ngờ, bố đã không đưa tận tay con mà dùng cách này. Con có tưởng bở mà nghĩ là quà của anh chàng nào đó không? Có đúng không! Hãy đọc kỹ cẩm nang để có một chuyến du lịch hoàn hảo nhé con!


Đọc xong thư tôi lại khóc. Sao bố lo lắng cho tôi như vậy? Muốn đi du lịch cùng tôi, mà lại lẳng lặng bỏ đi? Dù có gặp tai nạn hay có chuyện gì xảy ra bố cũng phải vượt qua để còn đi du lịch cùng tôi chứ? Tôi cứ ngồi như vậy rồi ngủ lúc nào không hay. Trong giấc mơ thấy bố giúp tôi thu xếp hành lý và tiễn tôi ra sân bay. Trước khi chào tạm biệt tôi bố còn xoa đầu dặn:


- Con hãy ngắm nhìn cánh đồng dâu tây thật kỹ, khi về kể lại cho bố xem nó đẹp như thế nào nhé!


Tôi choàng tỉnh dậy. Bần thần nghĩ về giấc mơ vừa qua. Chợt một cơn gió mạnh thổi tung cánh cửa sổ khép hờ, thổi bay cả chiếc vé máy bay trên bàn. Có phải bố đang cố nói với tôi một điều gì đó? Chẳng lẽ bố muốn tôi đi du lịch một mình sao?... Phải rồi tôi phải đi du lịch để ngắm cánh đồng dâu tây như bố đã dặn. Ngắm Đà Lạt mộng mơ thay cả phần của bố nữa. Những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu xuống bậu cửa sổ lấp lánh như giục tôi bắt đầu cuộc hành trình.


* * *


Tôi đến Đà Lạt vào cuối buổi chiều, thời tiết bắt đầu chuyển se se. Sau khi về khách sạn cất hành lý, tôi quyết định dạo quanh thành phố môt vòng bằng xe buýt. Đang vào giờ tan tầm, đường phố náo nhiệt khác thường. Ngang qua một trường tiểu học ngắm cảnh bọn nhóc ríu rít ra về, có nhóc nũng nịu đòi bố mua quà rồi mới chịu lên xe, chẳng khác gì tôi hồi nhỏ. Nhìn thấy cảnh đó lòng tôi lại chùng xuống. Dù đã tắt máy nghe nhạc, để tránh cảm giác nao nao trong lòng, nhưng tôi vẫn nghe đâu đó giai điệu bài "Dance with my father" vang lên da diết:


If I could steal one final step, one final dance with him


I play song that would never, ever end


Cause I'd love, love, love


To dance with my father (*)


Tôi khẽ nhìn xung quanh xem tiếng nhạc phát ra từ đâu. Những giai điệu quen thuộc ấy phát ra từ chiếc điện thoại của một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi, vừa nghe nhạc chú vừa lặng lẽ ngắm phố phường buổi tan tầm. Nhìn thấy tôi, chú khẽ mỉm cười và rồi lại ngắm khung cảnh tấp nập qua ô cửa kính. Đôi lúc, thấy chú khẽ nén một tiếng thở dài. Tôi thấy chú tựa như một tảng đá lớn chênh vênh trên miệng vực. Có một điều gì đó thật nặng nề.


Chuyến bay gần hai giờ đồng hồ và khoảng thời gian lòng vòng từ nãy đến giờ có lẽ đã làm tôi thấm mệt. Tôi ngủ lúc nào chẳng hay. Chợt có một bàn tay khẽ lay tôi dậy, là nhân viên bán vé. Tôi đã ngủ quên, và đang ở một nơi lạ huơ lạ hoắc. Đây đã là chuyến xe buýt cuối cùng, số tiền tôi có trong tay không đủ để đi taxi đến trung tâm thành phố. Tôi thấy sợ hãi và tuyệt vọng thật sự. Tôi khóc, nước mắt bắt đầu rơi ướt nhoè hai má. Chợt có một giọng nói trầm, ấm áp vang lên, không phải ai khác mà chính là chú nghe nhạc trên xe buýt:


Bình tĩnh nào cô bé. Giờ này còn khá nhiều taxi cháu vẫn có thể về nhà an toàn.


Tôi bỗng khựng lại. Một điều gì đó rất thân thuộc, như bố tôi vẫn trấn an mỗi khi tôi sợ hãi: "Bình tĩnh nào con gái..."


- Cháu muốn về khách sạn Kỳ Hoà, nhưng cháu...


- Không đủ tiền chứ gì. Chú cũng về đó, để chú mời cháu nhé!


- Dạ thôi ạ.- Tôi bối rối, lắc đầu.


- Vậy chúng ta làm theo "phong cách Mỹ"được không? Đi chung xe và chia đôi tiền nhé!


Trong đêm khuya, giữa một thành phố xa lạ, lời đề nghị làm tôi lo lắng, nhưng khi nhìn thẳng vào mắt chú, đôi mắt sâu với cái nhìn cương nghị, đầy tin tưởng, tôi khẽ gật đầu. Về đến khách sạn, lúc chuẩn bị xuống xe, tôi phát hiện ra mình đánh rơi một bên khuyên tai. Khi cúi xuống sàn xe để tìm, tôi không chỉ tìm thấy khuyên tai của mình mà tôi còn thấy một chiếc đồng hồ quả quýt kiểu cổ. Bên trong có một bức ảnh là chú đi cùng xe với tôi và một cô bé gái. Chắc là con gái của chú. Nhưng chú đã xuống xe và vào trong từ lúc nào. Tôi đành cầm chiếc đồng hồ về phòng.


Sáng nay, sau khi ăn sáng xong tôi loanh quanh ở sảnh khách sạn, mong tìm được chú cùng đi hôm qua để nói một lời cảm ơn và trả lại chú chiếc đồng hồ.


- Sao đứng một mình buồn hiu vậy hả cô bé?


Tôi khẽ giật mình quay lại, chính là chú ấy. Thật bất ngờ! Đang không biết tìm chú như thế nào để trả lại chiếc đồng hồ, không ngờ chú lại tìm thấy tôi. Vài giây im lặng vì bất ngờ, tôi vội nhanh nhảu:


Cháu chào chú! May quá! Cháu đang định tìm chú để trả lại cái này. Cháu đã tìm thấy nó trên taxi tối qua.


Tôi mở túi lấy chiếc đồng hồ đưa cho chú. Vừa nhìn thấy nó, chú liền cười lớn, đôi mắt sâu trở nên linh hoạt, vui vẻ lạ thường.


- Chú tưởng đã đánh mất nó ở đâu rồi! May mà tìm lại được. Cảm ơn cháu!


Chú ấy cứ mân mê chiếc đồng hồ trong tay như thể nó là một báu vật vậy. Sau đó chú cho nó vào túi, cẩn thận gài vào chùm móc khoá đang đeo ở thắt lưng để chắc chắn rằng không làm rơi nó lần nữa. Một chút tò mò, tôi khẽ hỏi:


-Bé gái trong ảnh là con chú ạ! Cô bé xinh thật, đôi mắt sâu, giống hệt như chú vậy.


- Ai cũng nhận xét như cháu.


Chú chậm rãi trả lời, khoé miệng khẽ mỉm cười nhưng ánh mắt thoáng buồn. Bầu không khí chợt chùng xuống, để phá vớ sự im lặng bất thường này tôi mở lời:


- Chắc dịp nghỉ hè, chú đi du lịch cùng cả nhà. Lúc nào, chú giới thiệu cháu với con gái chú nhé! Nhìn ảnh cũng đoán được đó là một cô bé dịu dàng, đáng yêu rồi!


Chẳng hiểu sao nghe tôi nói vậy sắc mặt chú bỗng chùng xuống. Khẽ nhấp một ngụm cà phê đen, chú hướng mắt nhìn lên bầu trời trong xanh ngoài ô cửa kính, trả lời tôi bằng giọng đã bắt đầu nghẹn lại:


- Chú đi du lịch một mình. Còn con gái chú, cháu không còn cơ hội gặp con bé rồi. Nó đã mất cách đây hai tháng vì bệnh ung thư máu. Còn vợ chú đã mất vì sinh khó lúc sinh con bé.


Quá bất ngờ, tôi chẳng còn biết làm gì ngoài nói một lời xin lỗi. Chú khẽ cười, như để xua tan sự bối rối trong tôi lúc này:


- Chú không sao! Cháu có lỗi gì đâu! Chỉ vì cháu không biết chuyện của hai mẹ con Cẩm Vân thôi mà. Còn cháu từ hôm qua đến giờ chú thấy cháu hay đi một mình. Bố mẹ cháu không đi cùng sao?


- Cháu cũng đến đây một mình giống như chú. Cháu và bố dự định đi du lịch cùng nhau, nhưng cách đây bốn tháng bố cháu mất trong một tai nạn giao thông. Bố mẹ cháu đã ly hôn, mẹ cháu hiện đang sống ở nước ngoài. Cháu sống ở đây cùng bố.- Tôi trả lời thật chậm cố giữ cho mình không khóc.


- Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi. Chú tin là bố luôn dõi theo cháu và mong cháu đi chơi vui vẻ. À mà, nói chuyện từ nãy đến giờ chú vẫn chưa biết tên của cháu.- Chú vừa muốn hỏi tên tôi vừa muốn "đánh lạc hướng".


- Cháu là Kim Ngân.- Tôi khẽ trả lời.


- Còn chú là Dũng, rất vui được gặp cháu. Bây giờ, chú có chút việc phải đi. Chú còn ở đây chơi vài ngày nữa, nếu có việc gì cần giúp cháu cứ đến tìm chú nhé! Chú ở phòng 609.


Chú Dũng đi rồi, tôi rời khách sạn đi loanh quanh một vòng ngắm Đà Lạt buổi sáng. Trời chợt đổ mưa, tôi đành trở về khách sạn ăn trưa sau đó ngủ một mạch cho tới chiều. Khi tôi ngủ dậy trời đã tạnh, những đám mây chiều ánh lên trong ráng vàng rực rỡ, báo hiệu ngày mai là một ngày nắng đẹp. Tự nhiên tôi muốn hóng gió một chút, cơn gió se se của chiều Đà Lạt. Tôi chỉ có thể gặp cái se se hao hao giống thế này ở Hà Nội vào những buổi chiều tháng chín. Nhớ cứ khoảng 6h chiều, nấu cơm xong tôi lại ra cổng ngồi trên xích đu nhỏ đợi bố về ăn cơm. Về đến nhà, hôm nào không thấy tôi mặc chiếc áo khoác, bố lại mắng yêu: "Lại muốn ốm để làm nũng bố phải không?". Tôi nửa gật, nửa lắc đầu. Trước khi vào nhà bố con cởi áo khoác ra, khoác cho tôi. Có mấy bước chân sao bố phải cẩn thận vậy chứ. Nhưng khi khoác chiếc áo có mùi cồn, trộn lẫn mùi mồ hôi mằn mặn của bố tôi cảm thấy thật ấm áp.


Sống mũi tôi lại cay cay. Tôi vội giơ tay lau giọt nước mắt vừa kịp rơi trên má. Nhắm mắt, hít một hơi thật sâu tôi cố giữ cho mình bình tĩnh trở lại.


-Ra ban công đứng hóng gió mà cấu không mặc thêm áo sao? Cẩn thận không ốm đấy!


Là chú Dũng, chắc chú ấy cũng ra đây hóng gió. Phòng chú cũng ở tầng này mà. Chợt chú cúi xuống nhìn tôi rồi nói:


- Cháu đang nhớ bố hả?


Tôi không trả lời, chỉ khẽ gật đầu. Nhìn chú chống tay lên ban công, đứng thở dài ngắm mấy đám mây xa tít tận phía chân trời. Tôi khẽ nói:


- Chú cũng đang nhớ Cẩm Vân mà.


Chú Dũng xoay người, dựa lưng vào ba công, cố nói đùa:


- Thiên đường chắc đẹp lắm nên bố cháu và Cẩm Vân lén lên đó, bỏ lại chúng ta ở đây. Hai người này xấu tính thật. Đã xấu vậy mà chúng ta chẳng mặc kệ họ được cứ phải nhớ họ mới lạ.


Chợt trong lòng tôi có một cảm giác rất lạ. Một điều gì đó như mách bảo tôi hãy cùng chú Dũng làm một điều gì cho cả hai chú cháu. Tôi nói thật nhanh, vì nếu chần chừ một chút thôi can đảm của tôi sẽ bay sạch:


- Vậy để cháu làm con gái chú nhé! Chỉ trong mấy ngày ở Đà Lạt này thôi! Được không chú?


Chú nhìn tôi hồi lâu, rồi kéo tôi ôm vào lòng nói khẽ: " Bố đồng ý với con, con gái"!


Sáng nay tôi vừa thức dậy, đã nghe tiếng gõ cửa. Là chú Dũng. Không bây giờ phải là "bố" Dũng mới đúng! Vừa vào phòng bố đã giục:


- Con thay quần áo nhanh lên, bố đưa con đi ăn sáng rồi hai bố con mình cùng nhau đi một vòng để khám phá Đà Lạt nữa.


- Tuân lệnh bố- Tôi nhanh nhảu đáp rồi khẩn trương đi thay quần áo.


Vừa xuống tới sảnh bố Dũng đã đề nghị:


- Bố con mình đi ăn phở nhé!


Tôi lắc đầu quầy quậy phản đối ngay:


- Ở Hà Nội con ăn phở ngán lắm rồi, tới đây phải ăn món nào đặc


biệt một chút chứ! Bố cứ để việc này cho con.


Tôi dẫn bố Dũng đến quán bánh ướt lòng gà trên đường Tăng Bạt Hổ. Bánh ướt mềm, khi cho vào trộn cùng với nước dùng vẫn dai chứ không bị bở, ăn kèm lòng gà được xào rất vừa miệng, cộng thêm nước dùng đậm đà, đúng là ngon tuyệt cú mèo.


Vừa ăn bố vừa tấm tắc khen:


- Đúng là ngon thật! Xem ra không thể "xem thường" con được. Đến Đà Lạt lần đầu mà cũng thông thạo ra phết.


Ăn sáng xong, hai bố con quyết định tới địa điểm du lịch gần nhất "trái tim của thành phố Đà Lạt"- Hồ Xuân Hương. Tuy bây giờ không phải là mùa xuân, nhưng đứng ở đây vẫn có thể có ngửi thấy mùa thơm của hoa cỏ. Tôi vừa nhắm mắt đón cơn gió mát lành, vừa khẽ hát vu vơ. Nhìn thấy vậy, bố Dũng liền bảo:


- Con lãng mạn thật đấy! Giống y như Cẩm Vân, ở nhà, con bé toàn vừa dọn dẹp, vừa hát véo von.


- Bố con cũng vậy. Lúc nấu cơm, dọn dẹp hay khi đi trên đường bố đều cất tiếng hát khe khẽ. Con hay đùa: "Ở trong phòng mổ mà được hát chắc bố tổ chức liveshow mất". Mỗi lần như thế, bố lại nhướn mày, gật đầu khẽ cười như thể đó là một điều tất nhiên.


Tôi lặng lẽ thở dài. Bố Dũng cầm lấy bàn tay lạnh ngắt của tôi, ủ nó trong hai lòng bàn tay mình, khẽ xoa cho nó ấm lên. Tôi đã thấy ấm áp hơn rất nhiều, không chỉ có bàn tay?...


Đi dạo mấy vòng quanh hồ hai bố con sang Đồi Cù chơi.Cả khu đồi rộng xanh mướt một màu xanh của cỏ non. Nằm ườn lười biếng trên thảm cỏ, ngắm những đám mây mềm mại như kem bơ châm chậm trôi trên nền trời xanh ngắt, thật thư thái. Tôi lấy máy ảnh chụp mấy bức làm kỷ niệm. Chụp một hồi, tôi lười biếng ngồi bệt xuống thảm cỏ.


Trong lúc tôi mải mê chụp ảnh, bố Dũng đã đi mua trứng nướng và nước sâm. Đưa ly nước và bánh cho tôi, nhìn thấy chiếc máy ảnh, bố hỏi:


- Con đang chụp ảnh à? Trước kia Cẩm Vân cũng rất thích chụp ảnh. Khi bị ốm, phải tiến hành hoá trị rụng hết cả tóc. Con bé vẫn đội tóc giả, trang điểm thật xinh đẹp và chụp ảnh cùng bố. Cẩm Vân bảo sau này khi xem lại ảnh nó muốn chú nhìn thấy cô con gái nhí nhảnh đáng yêu mọi ngày. Dù đau đớn, mệt mỏi đến đâu con bé cũng chẳng bao giờ kêu ca đến nửa lời, cứ cố gắng chịu đựng một mình. Nó sợ bố buồn.


Tôi chẳng nói gì, chỉ khẽ ôm cổ bố Dũng, nhẹ nhàng ngả đầu vào vai bố. Đôi khi người ta chỉ cần biết có một người ở bên cạnh ta và chờ đợi ta chia sẻ là quá đủ. Tôi lấy máy ảnh, chụp cùng bố một kiểu rồi giơ nó lên trời gọi to:


- Bố, Cẩm Vân! Con và bố Dũng đang ở Đà Lạt chơi. Hai người xem ảnh xem có đẹp không?


Bố Dũng quay lại hỏi tôi:


- Con nghĩ bố con và Cẩm Vân có nghe thấy không?


Tôi gật đầu, bố Dũng mỉm cười xoa đầu tôi. Hai bố con về khách sạn ăn trưa. Đến chiều, hai bố con đến Hồ Tuyền Lâm chơi. Không khí ở đây rất tuyệt, tĩnh lặng vô cùng. Có thể nghe thấy tiếng gió vi vu trên từng tán lá thông xanh rì.Tiếng chim kêu thành chuỗi vang khắp mặt hồ. Nước hồ trong vắt, xanh thăm thẳm, đi thuyền trên hồ cho ta một cảm giác thật thư thái. Đi thuyền chán, tôi và bố Dũng đi cấp treo lên thiền viện Trúc Lâm chơi. Sau đó hai bố con cùng đến chùa Linh Phước. Sau khi thăm "Tiền đàng bảo tháp", thăm 108 pho tượng "Thiên thủ thiên nhân", đến Long Hoa viên thăm toà Linh tháp bảy tầng và Đại hồng chuông, tôi dừng lại trong sân chùa chụp ảnh bức tượng rồng làm bằng ve chai nổi tiếng (nhờ có nó mà chùa còn có tên gọi là " Chùa ve chai"). Chợt bố Dũng hỏi tôi:


- Con có nghĩ những cái vỏ chai chúng ta từng sử dụng cũng có ở đây không?


Tôi bật cười. Dường như bố Dũng đã vui vẻ hơn, dù chỉ là một chút cũng tốt lắm rồi. Về đến gần khách sạn cũng là lúc Chợ Âm Phủ ( tên gọi khác của chợ đêm Đà Lạt) mở cửa. Tôi bảo bố đừng vội về khách sạn đi chợ đêm cái đã. Vào chợ việc đầu tiên cần làm là kiếm cái gì đó lót dạ. Hai bố con quyết định ăn hủ tiếu và uống sữa đậu nành ở quán chị Hoa – quán nổi tiếng nhất chợ về món này. Gọi xong bố quay ra nói với cô bán hàng đừng cho ớt vào bát của tôi. Nghe vậy cô quay sang nhìn tôi cười:


- Được ba cưng ghê ha!


Mới ăn cơm với bố Dũng có mấy lần mà bố Dũng đã biết tôi không ăn được ớt. Ăn xong hai bố con bắt đầu khám phá chợ đêm. Nhiều nhất ở đây có lẽ vẫn là các món đồ thủ công, đặc biệt là đồ len. Thấy tôi thích nên bố đã mua tặng tôi găng tay và mũ len. Tôi tặng bố một cái áo len màu xám rất đẹp. Bố bảo tiếc là đã hết mùa đông rồi, không khi về Hà Nội bố sẽ mặc nó ngay và khoe vói đồng nghiệp. Tôi cũng tranh thủ mua mấy chiếc túi lụa, móc khoá len và vài món đồ thủ công khác về tặng bạn bè. Vừa lang thang tôi vừa tranh thủ nhấm nháp các món ăn ngon bên đường nào là chuối chiên, bánh căn trứng cút, bánh căn xíu mại, bánh da heo, mỗi thứ một chút. Cuối cùng tôi sẽ dừng chân ở hàng khoai nướng trước khi về khách sạn. Củ khoai nóng hổi làm tôi lóng ngóng suýt đánh rơi xuống đất. Vậy là bố lại ngồi bóc khoai cho tôi. Lúc tôi đang ăn khoai bố bỗng đi đâu mất. Khi về trên tay bố cầm hai cốc sữa bắp nóng hổi. Bố Dũng hào hứng :


- Ở Hà Nội không có món này đâu con. Lúc nãy bố nhìn thấy nên mua cho con thử. Mau uống đi con. Chợt tôi thấy mắt mình cay cay. Không phải vì khói bếp...


Về đến khách sạn tôi đứng một lúc lâu bên cửa sổ, ngắm Đà Lạt về đêm, ngắm những vì sao lấp lánh. Và tôi tự hỏi mình làm như vậy có đúng không khi đồng ý làm con gái chú Dũng và cùng chú đi chơi khắp Đà Lạt. Chuyến đi mà tôi đã dự định đi cùng bố từ rất lâu. Liệu bố có giận tôi hay không? Và liệu khi chuyến du lịch này kết thúc tôi và chú có vơi đi nỗi đau hay lại đau khổ hơn. Rốt cục, tất cả chỉ là nói dối. Tôi lên giường với những ý nghĩ ấy cứ quẩn quanh trong đầu rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào chẳng hay. Trong giấc mơ tôi thấy bố mỉm cười....


Sáng sớm, tôi đang định qua phòng gọi bố Dũng, để rủ bố tới chợ Đà Lạt, không ngờ bố đã đứng đợi tôi. Đến nơi tôi hoa cả mắt với bao nhiêu là thứ. Đẹp nhất vẫn là hoa tươi: hoa hồng, đồng tiền, bạch môn, cẩm chướng, thược dược cả hoa tuylip nữa. Chỉ tiếc là không thể mua chúng về nhà. Trong lúc tôi đang mải ngắm hoa, bố Dũng đã mua hai chiếc lọ hoa rất đẹp. Bố bảo : tuy không thể mua chúng về nhà, nhưng có đem chúng về cắm ở khách sạn để ngắm chúng suốt mấy ngày ở Đà Lạt. Đến hàng bán mứt "tình yêu ẩm thực" trong tôi lại trỗi dậy. Mứt thanh đào, mứt dâu tằm, mứt hồng dẻo, mứt dâu tây, mứt kiwi.... làm tôi hoa cả mắt. Tôi nếm thử không biết bao nhiêu loại mứt. Đặc biệt nhất vẫn là mứt khoai lang sâm. Miếng khoai lang bé bằng ngón tay út, được tẩm ướp cầu kì, màu vàng rơm.Còn mứt thanh đào thì vẫn giữ y nguyên được vị giòn của trái đào tươi. Phải cố gắng lắm bố Dũng mới đưa được tôi ra khỏi hàng mứt cùng với hai túi mứt đầy chặt.


Rời chợ Đà Lạt, hai bố con tới khu Biệt điện Trần Lệ Xuân, khu Dinh thự I trên đường Trần Quang Diệu và Dinh Bảo Đại. Qua mấy căn biệt thự cổ được xây từ thời Pháp, tôi rất ấn tượng với lối nhỏ vào nhà trồng kín hoa thục quỳ, hoa pan-xê, những bức tường được chăng kín dây leo xanh um; tạo nên một cái gì đó rất riêng, chỉ Đà Lạt mới có : cổ kính, hoang sơ, nhưng cũng thật thơ mộng như thể cô cong chúa ngủ trong rừng tôi gặp trong câu chuyện cổ tích từ hồi bé xíu. Thấm mệt sau cả ngày khám phá, buổi tối tôi và bố Dũng quyết định ở khách sạn chơi cờ caro rồi ngủ sớm.Bố Dũng quả là một đối thủ không tồi. Trước khi bố Dũng về phòng, tôi chần chừ một lúc lâu rồi hỏi khẽ:


- Bố Dũng này!... Ngày mai, ngày mai...


- Ngày mai, sao hả con?


- Ngày mai bố dẫn con đến cánh đồng trồng dâu tây được không?


- Được chứ! Con thích đi đâu cũng được. Có gì khó đâu mà con phải ấp úng vậy ?


Tôi không thể trả lời được câu hỏi của bố Dũng. Chỉ khẽ chào rồi chúc bố ngủ ngon...


Từ sáng sớm hai bố con đã có mặt ở cánh đồng trồng dâu tây. Nhìn những quả dâu lúc lỉu trên giàn thật thích mắt. Màu xanh của lá hoà với màu đỏ của quả, điểm vào đó là sắc trắng của hoa, màu vàng của nhuỵ, tất cả ánh lên dưới những giọt sương sớm long lanh thật đẹp. Bố Dũng định đút cho tôi một quả dâu, hơi bất ngờ nhưng tôi không muốn làm bố Dũng buồn nên há miệng ra cho bố đút.


- Quả này chua quá bố Dũng à. – Tôi nhăn nhó.


- Vậy quả này chắc chắn ngọt đấy!- Bố Dũng lấy một


quả khác, nhìn tôi ăn vẻ rất chờ đợi.


Lần này thì dâu đúng là ngọt thật. Hai bố con vừa cùng bác chủ vườn hái dâu, vừa cười, đùa rộn cả một góc vườn.


Đến chiều hai bố con đến cao nguyên LangBiang chơi. Bố Dũng còn thuê cả một chiếc xe Jeep nữa. Chỉ còn thiếu một chiếc mũ gấp vành nữa là bố đã trở thành cao bồi thật sự. Đứng trên đỉnh LangBiang tôi thấy mình thật nhỏ bé.Ở đây, tôi có thể nhìn thấy toàn cảnh Đà Lạt, thấy cả Suối Vàng, Suối Bạc uốn khúc quanh co ở dưới chân núi . Những đám mây bay là là ngay trên đầu làm cho người ta cảm giác đang chìm trong màn mây, như thể ở chốn bông lai, hay lạc vào một xứ sở thần tiên nào đó. Thật không thể tin nổi!


Đang mải mê ngắm cảnh, chợt bố Dũng quay sang hỏi tôi:


- Con có biết đây là nơi gần vói thiên đường nhất không?


Tôi đang bất ngờ không hiểu. Bố Dũng cười bảo:


-Đây là nơi cao nhất Đà Lạt, chẳng phải nó là nơi gần thiên đường nhất sao?


Tôi gật đầu đồng ý. Bố lại hỏi tôi:


- Con có muốn gửi thư lên thiên đường cho bố con không? Bố đang định gửi thư cho Cẩm Vân.


Tôi chẳng biết bố định làm gì nhưng vẫn vui vẻ gật đầu, trong lòng thấy tò mò vô cùng. Thế là bố ra xe lấy hai quả bóng bay và giấy bút, chẳng biết bố đã chuẩn bị từ bao giờ. Tôi đã viết thư cho bố kể về bố Dũng và những ngày vừa qua. Tôi nói bố đừng lo lắng cho tôi, tuy tôi còn nhớ bố nhiều lắm nhưng tâm trạng tôi đã khá hơn nhiều. Tôi vẫn còn băn khoăn về chuyện mẹ đã nói với tôi trước khi tôi đi Đà Lạt đó là sang Anh du học và sống cùng mẹ .Tôi kể cả băn khoăn này vào trang thư cho bố, và cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Viết xong thư tôi và bố Dũng buộc chúng vào hai quả bóng bay và thả chúng đến thiên đường.


Lúc hai bố con ngồi ăn bánh quy và uống chút caffe nóng mang theo bố Dũng kể cho tôi về việc gửi thư đến thiên đường:


- Chắc con ngạc nhiên lắm, khi bố nghĩ ra cách này. Đây vốn là ý của Cẩm Vân. Con bé từng nói khi nào đến đây sẽ dùng cách này để gửi thư cho mẹ. Bố biết, con gái bao giờ cũng cần có mẹ. Nhưng việc mẹ của Cẩm Vân ra đi bố cũng rất đau lòng và không thể làm gì được. Còn việc tìm một người mẹ mới cho con bé bố luôn e ngại vì sợ điều đó có thể làm xáo trộn cuộc sống của con bé. Nếu lỡ nó và mẹ kế không hoà hợp con bé sẽ bị tổn thương. Bố luôn cố ở bên Cẩm Vân nhiều nhất có thể, nhưng công việc của bố quá bận rộn nên cái "nhiều nhất" ấy cũng chẳng được bao nhiêu. Bố luôn sợ con bé cảm thấy buồn, cảm thấy cô đơn, nhất là khi nó lớn. Cẩm Vân đã muốn đi Đà Lạt cùng bố từ rất lâu, nhưng công việc cứ cuốn bố đi nên đành phải gác lại suốt. Rồi con bé đổ bệnh, đó là quãng thời gian hai bố con ở bên nhau nhiều nhất. Nhưng thay vì vui mừng đó là chuỗi dài bố sống trong sợ hãi.


Nghe những lời đó của bố Dũng tôi bỗng giật mình. Chắc từ khi bố mẹ tôi ly hôn và sống cùng tôi, bố tôi cũng đã suy nghĩ như vậy. Những suy nghĩ, đắn đo của một người cha, những ý nghĩ đầy yêu luôn được giấu kín trong lòng. Tôi nhìn thẳng vào mắt bố Dũng nhẹ nhàng nói:


- Bố con cũng là một người rất bận rộn, hai bố con cũng rất ít thời gian ở bên nhau. Nhiều hôm khi con về nhà thì bố đang còn phải làm việc ở bệnh viện. Khi con đi học cũng là lúc bố về nhà nghỉ ngơi sau một đêm thức trắng, nhưng con biết rằng bố đã luôn cố gắng hết sức để làm mọi điều tốt nhất cho con. Nhiều người nói con tội nghiệp: không có mẹ ở bên cạnh, còn bố thì suốt ngày bận bịu. Nhưng con không nghĩ vậy. Vì biết đâu nếu con có mẹ ở bên cạnh con sẽ không biết được rằng bố con yêu con nhiều đến thế. Con chắc rằng Cẩm Vân cũng nghĩ giống con bố Dũng à! Vì chúng con đều có những ông bố tuyệt vời!


Con đang phân vân một chuyện. Mẹ con muốn con sang Anh du học và sống cùng mẹ. Nhưng nếu con ra đi con sẽ rất nhớ bố con và nhớ cả Hà Nội rất nhiều. Con không muốn bố con ở lại một mình. Con cũng sợ mình sẽ không thích nghi được với cuộc sống mới và thấy lạc lõng.


Bố Dũng xoa đầu tôi nhẹ nhàng bảo:


- Bố tin là mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi! Ban đầu mọi thứ có thể rất lạ lẫm nhưng bố tin một cô gái mạnh mẽ như con sẽ vượt qua được. Hãy đối xử với mọi người bằng lòng chân thành như con đã làm với bố. Bố tin là mọi cánh cửa sẽ rộng mở để chào đón con. Bố nghĩ bố con cũng mong con đến sống với mẹ. Hãy làm thế để bố con yên lòng. Dù con có đi đâu bố con luôn ở bên con, dõi theo con. Ta sẽ không cảm thấy cô đơn khi có một ai đó ở trong lòng, chứ không phải là ở bên cạnh.


Bố Dũng khẽ ôm tôi một cái ôm thật chặt, thật ấm áp. Giống hệt như cái ôm bố tôi . Có lẽ mọi ông bố yêu con đều giống nhau.


Sáng hôm nay tỉnh dậy, tôi sang phòng tìm bố Dũng thì bố đã trả phòng rồi. Bố có để lại cho tôi một lá thư:


Gửi Kim Ngân con gái yêu của bố!


Cảm ơn con đã làm con gái của bố trong những ngày ngắn ngủi vừa qua. Bố đã rất vui và cảm thấy được an ủi rất nhiều. Bố biết chúng ta đến với nhau là để tự dối mình và tìm cho bản thân một chút an ủi. Nhưng không sao cả con gái à! Vì chúng ta dối lòng là để lòng ta thanh thản hơn,chứ không làm tổn thương ai cả. Chúng ta đã có những phút giây vui vẻ ở Đà Lạt này và cảm thấy

2hi.us