Pair of Vintage Old School Fru
Thằng Hiếu

Thằng Hiếu

Tác giả: Sưu Tầm

Thằng Hiếu

Trong ngõ nhà tôi có một xưởng giày. Họ đóng những đôi giày da cho người lớn, trẻ con, đủ màu đủ kiểu, trông thật đẹp. Thằng Hiếu (gọi bằng thằng vì nó trạc tuổi tôi, nhưng gầy nhỏ loắt choắt với cái răng khểnh trông rất ngộ) mới ở Thanh Hóa lên với anh nó và xin chân phụ việc vặt trong xưởng. Anh nó là thợ có tay nghề, lại hiền lành chịu khó. Vợ chồng ông chủ ưu ái anh nó nên mới nhận thằng Hiếu, chứ cái thằng trông ốm yếu xanh xao thế... 


Thằng Hiếu


Người lớn cứ bảo "trông mặt bắt hình dong", hóa ra không hẳn! Thằng Hiếu đến xưởng hai ba tuần thì cả ngõ ai cũng quý, cũng thương. Nó nhanh nhẹn, chăm chỉ, lại mau mồm mau miệng. Buổi sáng, nó xách làn theo chị giúp việc đi chợ.


Gặp ai nó cũng cười chào, rồi còn hỏi:


- Hôm nay bà ăn rau gì, để cháu mua giúp một thể!


Chiều tối, bao giờ nó cũng dọn dẹp gọn ghẽ đồ đạc dụng cụ, giày đang làm dở, nguyên vật liệu đâu vào đấy, rồi mang chổi ra quét xưởng rất sạch sẽ. Và nó tiện tay quét luôn cả cái ngõ chung. Khi kẻng xe rác đi qua, thằng Hiếu lại chạy ù qua sân nhà cụ Côn, xách tọt túi rác, vứt lên xe giúp cụ...


***


Được hơn hai tháng, thằng Hiếu chào mọi người:


- Mai cháu về quê!.


- Đã hết hè đâu, sao không ở rốn kiếm thêm chút tiền rồi vào năm học về đi học một thể? - bà Thọ hỏi nó thế.


- Vâng! Cháu cũng muốn vậy bà ạ, nhưng đợt này bố cháu đau nhiều quá..." - Nó rơm rớm nước mắt. Tôi từng nghe nó kể chuyện bố nó bị tai nạn hầm lò, nên phải nằm nhà, không đi làm được nữa. Nhà đã nghèo, lại càng nghèo hơn...


Ấy thế mà buổi sáng sớm thằng Hiếu khoác ba lô ra bến xe thì buổi chiều đã thấy nó nhễ nhại mồ hôi, thất thểu cuốc bộ đi vào ngõ. Anh nó hốt hoảng hỏi dồn:


- Sao không về nhà? Quay lại đây làm gì?


Thắng Hiếu đặt "bịch" cái ba lô xuống, rồi ngồi tựa lưng vào cột nhà, khóc òa. Mọi người ngơ ngác, sốt ruột, cũng ào cả lại hỏi nó:- Sao thế? Có chuyện gì? Bình tĩnh kể xem nào? Hiếu!


Nó càng tức tưởi, nghẹn ngào. Mãi sau mới cất được lời:- Mất hết rồi anh ơi! Trộm cắp nó móc sạch cả tiền rồi... Hu hu! - Đã bảo... - Anh nó lạc cả giọng.


- Vâng. Em đã chia tiền làm hai chỗ. Giấu cẩn thận xuống tận đáy ba lô, chỉ để lại có mấy chục ngàn ở ngoài để mua vé ô tô... Thế mà không hiểu sao mới đi đến Phủ Lý, em sờ tay kiểm tra đã không thấy tiền đâu cả... Hu hu! Giờ thì lấy gì mua thuốc cho bố, anh ơi...


Đến lúc này thì anh nó cũng run cầm cập, mắt ướt nhoèn. Mọi người xung quanh nén tiếng thở dài. Vừa lúc ấy bà Thọ lập cập bước vào:- Ai như thằng Hiếu quay về hả? Sao sáng nay nó bảo về quê cơ mà...


Khi nghe được đầu đuôi sự tình, bà cụ thở dài, khe khẽ: - Cái quân trộm cắp vô lương tâm! Chó cắn áo rách! Rõ khổ...


Nói rồi bà lần tay vào cạp quần, lôi ra cái túi vải be bé có dải rút dài lòng thòng được cài kim băng cẩn thận. Bà lấy ra hơn hai trăm ngàn, đưa tận tay thằng Hiếu:- Bà có bấy nhiêu, cho con!


Mọi người làm việc trong xưởng có mặt khi ấy đều đổ dồn nhìn bà cụ, rồi nhìn nhau. Không ai bảo ai, lặng lẽ. Từng người lần trong túi mình, rồi vuốt ve những đồng tiền chẵn lẻ, đặt vào tay thằng Hiếu. Anh em nó càng ứa nước mắt.


***


Thằng Hiếu


Cái tin thằng Hiếu bị mất cắp nhanh chóng lan đi khắp cả ngõ nhỏ của tôi. Buổi tối ấy, hàng xóm mỗi người vài ba chục, trẻ con tụi tôi cũng bảo nhau góp gom dăm ngàn lẻ, mang vào xưởng để tặng thằng Hiếu... Ông bà chủ xưởng thấy vậy thì cũng cho nó mấy trăm ngàn, rồi ứng trước cả lương tháng tới cho anh nó


 Anh em nó lại khóc. Nhưng chắc không phải khóc vì tiếc của nữa, tôi nghĩ, anh em nó đang khóc vì cảm động, vì tình yêu thương đùm bọc của ngõ nhỏ xóm nghèo ngoại ô của chúng tôi... Lá lành đùm lá rách...


Sáng sớm hôm sau, tôi lại thấy thằng Hiếu khoác ba lô lùi lũi đi về phía bến xe buýt. Nhìn thấy tôi, nó cười nhe cái răng khểnh: 


- Tớ về quê nhé... Hè sang năm, nhất định tớ lại ra Hà Nội. Nhớ cho tớ mượn sách báo đấy nhé!


Tôi muốn nói gì đó với nó, nhưng lúng túng không biết nên nói gì. Cái bóng loắt choắt của nó rẽ qua ngã tư, khuất dạng. Tôi bỗng thấy mắt mình mờ mờ, cay cay.


Nguyễn Đan Thi 

2hi.us