Dưới hàng cây mùa đông
Dưới hàng cây mùa đông
- Hân, mình nắm tay cậu, được không?
***
"Duy, con cần tập trung hơn!" – Giọng ông thầy giáo già khàn khàn vang lên phá vỡ màn im lặng ảm đạm chỉ độc tiếng chì chạy sột soạt trên giấy trong căn phòng hơi tối. Tiếp đó là tiếng ho khúc khắc. Hân ngẩng lên liếc sang theo phản xạ rồi lại cặm cụi với bài vẽ của mình. Những mảng sáng rọi yếu ớt vào căn phòng, đọng một vệt trên chóp mũi hếch đỏ ửng vì lạnh của Hân, lờ mờ những vết tàn nhang màu nâu nhạt. Những sợi tóc ánh nâu mỏng như tơ thỉnh thoảng bị cơn gió hất tung lên. Cô bé co ro trong chiếc áo len màu tía, cái khăn len trắng to dày quấn quanh cổ như một pháo đài kiên cố mà những sợi tua cũng đang bắt chước tóc chơi trò tung mình, trán hơi nhíu lại với một vẻ tập trung đáng sợ. Duy lúng búng hồi lâu trong mồm "Vâng ạ!", kẹp mạnh cây chì trong bàn tay tê buốt vì lạnh. Bài vẽ tượng đầy những nét lỗi.
Ông thầy già lập cập đi từ phía nhà sau, tay cầm một ấm trà còn đang bốc khói. Hơi nóng như tê cứng đi khi chạm vào không khí lạnh buốt, mất hút.
- Một ngày lạnh như hôm nay thì việc duy nhất nên làm là nghỉ sớm và uống một tách trà nóng, bởi cảm xúc và ý chí đã bị đóng băng mất rồi!
Lại ho khúc khắc sau nụ cười ấm. Chỉ chờ có thế, Duy vội vàng cất giá vẽ và thu dọn chì tẩy. Hân cũng làm việc ấy, nhưng chậm rãi hơn và không tỏ vẻ quá sung sướng như Duy. Ba thầy trò ngồi bên chiếc bàn con cuối phòng, sưởi ấm bàn tay qua những cái cốc gồm đang bốc khói. Thầy tháo kính, hớp một ngụm nhỏ, mắt dõi ra con đường vắng thênh thang lộng gió.
- Năm nay lạnh hơn tất cả những mùa đông mà thầy trải qua trên cái thành phố cao nguyên này!
Hai đứa ngẩng lên, cười nhẹ. Những lúc ông họa sĩ già dõi mắt xa xôi như thế này, việc duy nhất nên làm là ngồi im lặng lắng nghe. Duy so vai kéo phẹc mơ tuya chiếc áo gió lên cao tận cổ. Hân ngồi mân mê cốc trà, bàn tay gầy guộc nổi gân xanh có những ngón dài và mảnh lấp lánh một chiếc nhẫn trơn bé xíu bằng bạc. Chiều qua nhè nhẹ. Xung quanh là một vài cảm xúc về mùa đông và chuyện thi cử của hai đứa. Ba cốc trà đã nguội ngắt và cạn đến đáy.
- Duy sẽ đưa con về Hân à! Hôm nay con nán lại hơi trễ. Đường lạnh và vắng!
Hân dạ, bé xíu ở trong cổ họng. Duy mở khóa xe đạp, tiếng "cách" khóa bật ra cũng khô khốc và lạnh buốt. Chào thầy, Hân lặng lẽ ngồi lên yên sau. Duy gò lưng một cú nhấn pê đan thật dài, cái phòng tranh cũ kĩ có ông họa sĩ già nua và cô độc thoáng một cái nằm lại sau lưng. Gió cuộn những chiếc lá khô trên vỉa hè xoay vòng từng đợt, và những hàng cây trơ trọi oằn mình trên bầu trời chiều mùa đông màu ghi xám. Yên lặng. Chỉ có tiếng gió ngược chiều làm mắt Duy cay nhòa và tiếng bánh xe xé gió cũng băng lên. Hân nhẹ bỗng và ngồi yên tựa như một chú mèo con ngoan ngoãn, không hé răng lấy nửa lời.
***
Phòng tranh nhỏ ở cuối con đường vắng của ông họa sĩ già độc thân mang một vẻ cũ kỹ và trầm mặc, giống như chủ nhân của mình. Đó là một căn nhà có một gác lửng bằng gỗ, trên lan can co đặt một vài chậu bon sai khẳng khiu và ốm yếu. Phòng trước, ông dùng để dạy vẽ và trưng bày những bức tranh cũ kỹ không biết là đã được vẽ từ bao nhiêu năm về trước của mình, gian sau là bếp và căn gác lửng là nơi ông ngủ và đọc sách. Phòng khách giản tiện bằng một chiếc bàn nhỏ và mấy chiếc ghế gỗ ở góc phòng tranh. Còn lại là la liệt những bức tượng mẫu bán thân, một cái ngăn kệ trần cũ kỹ chất đầy màu, bảng vẽ, chĩ gãy, giấy nhám, khung gỗ ... với một vài vệt dầu sơn lưu lữu. Đôi khi Hân mang đến một bó hoa cúc áo vàng nhạt, lạng lẽ cắm vào một cái cốc đặt trên bàn thầy và làm cho căn phòng có vẻ ấm áp hơn.
Học trò của thầy không chỉ có hai đứa. Tuy nhiên, số lượng ấy tăng vào mùa hè và giảm sút đáng kể khi năm học đã bắt đầu, với những đứa có tâm niệm "học vẽ cho vui". Số còn lại, có ý định theo ngành Mỹ Thuật thì lại nhảy sang một ông thầy giáo trẻ hơn đang giảng dạy chuyên môn và nghe nói có vẻ chắc cú trong việc luyện thi, vì ông ấy treo một dãy danh sách những học trò đã qua tay mình đậu vào các trường Mỹ thuật kín cả bức tường chen chúc trong một cái phòng nhìn thấy đầu người rõ hơn đầu tượng, học xong vuốt mồ hôi dọn dẹp dụng cụ đứng dậy, mỗi đứa đóng hai chục nghìn rối lần lượt ra cửa. Thế đấy, không ai dám "gửi trọn niềm tin"cho ông họa sĩ già chậm chạp, kỹ lưỡng và có vẻ thiếu cập nhật này. Học xong cuối tháng trả thầy bao nhiêu cũng được. Thời này làm gì có ai nhân từ thế. Theo kiểu ấy thì chỉ có thể là "tiền nào của nấy" mà thôi. Nghĩ bụng như thế, từng lượt, từng lượt học sinh lần lượt bỏ đi, và đến mùa đông thì còn trơ trọi hai đứa, mà theo bọn nó thì cũng hơi gàn gàn theo vị sư phụ của mình: ít nói, ít cười, chỉ biết cắm mặt vào bảng vẽ, là Duy và Hân.
Duy theo thầy từ năm lớp Mười. Hai năm rưỡi, ông thầy già khó tính vẫn bắt Duy rèn luyện từng chút một những điều cơ bản, kiên trì và nhẫn nại, sẵn sàng bảo cậu vẽ lại nếu bức vẽ có một nét lỗi nhỏ. Khi tất cả những đứa bạn rời đi, Duy vẫn ở lại, vì một mối dây ràng buộc vô hình nào đó trong tâm can. Đến bây giờ, cái phòng tranh be bé và tôi tối này thân thuộc với Duy hơn bất cứ thứ gì, từ mùi dầu hăng hăng, mùi gỗ ngai ngái của những bảng vẽ cắt bằng ván ép và cả cái mùi ẩm mốc cũ kỹ toát ra từ những bức tranh trên tường. Hân bằng tuổi Duy, nhưng vào sau một năm. Ông thầy già khắt khe chưa bao giờ khen Duy nhưng đã buộc mồm "Khá lắm!" khi quan sát Hân vẽ từ phía sau lưng. Hân lặng lẽ như một cái bóng, ghép vào bức tranh hai người lặng lẽ là thầy và Duy, trở thành một không gian im ắng đến đáng sợ. Họ là những người sống nhiều bằng nội tâm, ai cũng có nỗi niềm của người đó và điều duy nhất nên làm là giữ nó thật chặt trong lòng.
Học cùng rất lâu nhưng chưa bao giờ Duy nói chuyện với Hân. Chỉ là một vài câu trao đổi cần thiết. Ngay cả lời chào cũng được giản tiện bằng một cái gật đầu. Ai có không gian riêng của người ấy dù ngồi gần sát nhau trong cái phòng chật, là những bức tranh. Không gian ấy rộng và đầy những điều làm ta chìm đắm, say mê. Thảng hoặc, khi ngồi lại bên nhau và ngừng vẽ, chúng cũng cần một trung gian là những suy niệm của thầy. Ra về, im lặng và xa lạ, như chưa hề quen nhau. Duy thường thấy cô bạn nhỏ bé, gầy guộc và có nhiều điều khó hiểu đi bộ dọc con đường sau giờ học, đầu hơi cúi, mắt như đang nhẩm đếm từng viên gạch lát trên vỉa hè. Không dám chạm vỡ cái khoảnh khắc riêng tư ấy, cậu thường phóng qua, nhanh như thể vô tình. Không bao giờ Hân ngẩng lên.
Cho nên lúc này, lần đầu tiên không phải ngồi vẽ, không có sự có mặt của thầy, chỉ một mình Duy và Hân cùng về thì Duy cảm thấy đó là một điều đặc biệt lắm rồi, và Hân không nói gì thì cũng chỉ là một việc bình thường như nó vẫn xảy ra đó thôi.
- Cho mình xuống ở ngã tư.
Hân nói nhỏ. Câu này không tính, vì nó là một câu trao đổi cần thiết. Duy khịt mũi thay cho câu trả lới, vẫn cắm cúi đạp. Bỗng nhiên cậu hắt hơi thật to và có cảm giác chóp mũi mình cũng bắt đầu đỏ ửng lên. Hân lên tiếng, giọng nói mơ hồ và có vẻ như không chú ý lắm về việc mình đang nói gì: "Cậu nên choàng thêm một chiếc khăn nữa nếu không muốn bị cảm lạnh!". Nhưng nó khiến Duy có cảm giác mới lạ. Đó không phải là một lời trao đổi cần thiết, dù được thốt lên một cách không hề lưu tâm lắm. Cái lạnh đọng trên mặt tan ra thành một nụ cười. Nhưng Duy không biết làm gì khác ngoài chuyện ậm ừ.
Dừng lại ở ngã tư, Duy cố gắng bóp phanh thật nhẹ để cô bạn khỏi ngã dúi, dù thói quen của cậu thường là đạp nhanh và thắng đến cháy đường.
- Cảm ơn cậu!- Hân nói nhanh và quay lưng
Vẫn là một lời trao đổi cần thiết. Khi Duy lúng búng xong "không có gì" thì Hân đã quá xa để nghe thấy. Duy xốc lại cái túi chéo bên hông, thấy Hân rẽ vào một ngôi nhà nhỏ trông có vẻ buồn bực và tạm bợ. Quay xe trở về nhà dòng, Duy mỉm cười nhẹ nhàng giải thoát bớt những ranh giới, khoảng cách trong lòng. Cậu được các cha và các thầy trong dòng nuôi dưỡng từ hồi bé, bởi một lời cậy nhờ của bà mẹ trẻ khốn khổ mất chồng. Từ một nơi rất xa, đôi ba lần bà viết thư cho các cha dòng thăm hỏi, và xin phó thác Duy cho các ngày một thời gian nữa. Bà đang cố thu xếp mọi sự để đón Duy về, nhưng không biết là bao lâu nữa. Duy không buồn, không vui, cũng không đợi chờ bởi mẹ không lưu lại một vệt gì rõ nét trong kí ức nghèo nàn của mình, tuy nhiên cũng nhẹ nhàng hơn khi biết mình vẫn còn một người thân thuộc. Con đường trở về tu viện quen thuộc và vắng lặng như tờ, chỉ một mình Duy với những ý nghĩ về cô bạn kì lạ cứ miên man và loang ra như vết mực ướt. Thật lạ là Duy đã từng nghĩ Hân là một cô tiểu thư mong manh và hơi kiêu ngạo.
***
Hân đến, mang hai túi xốp to. Hai cái khăn len màu cà phê, một đặt trên bàn thầy và một để nhẹ bên cạnh Duy khi cậu đang vẽ.
-Tặng cậu
Cô bé quay sang lúng búng giải thích với thầy:
- Dạo này con đang thử việc đan móc...
Thầy nhìn Hân hồi lâu, nói một cách xúc động:
- Cảm ơn con!
Duy ngẩn ngơ và lúng túng trước cử chỉ bất ngờ của cô bạn, cũng lắp bắp theo thầy:
- Cảm...cảm ơn cậu!
Tặng khăn không phải là một việc bắt buộc phải làm, cũng như một câu trao đổi thông thường. Nhưng chắc chắn nó không hàm chứa nhiều điều đặc biệt, Duy mau chóng dặn mình. Mắt thầy ngân ngấn nước:
- Thầy đoán cảm giác có một đứa con gái lớn là như thế này...
Hai đứa im lặng. Thầy từng kể về một vụ tai nạn giao thông, người vợ cùng đứa con gái lên bảy hồn nhiên, hay nói líu lo với thầy mãi mãi không trở về nữa.
- Còn Duy, thầy nghĩ con có cảm giác khác! – Ông đổi giọng vui tươi khi nhận ra mình vô tình mang đến những suy nghĩ ái ngại cho hai đứa trẻ.
Duy ngượng ngùng. Hân thảng nhiên với bài vẽ chưa hoàn tất.
- Cảm ơn con lần nữa! Chắc ba mẹ của con cũng rất hạnh phúc với một chiếc khăn ấm áp như vầy!
Thầy quàng khăn ngang cổ, quay lại nhìn Hân. Bỗng nhiên cây bút chì trên tay Hân rơi xuống. Đầu chì chạm nền nhà gãy rời ra. Một nỗi xúc động mạnh lan trên đôi mắt lạnh lùng của cô bé. Thầy ngạc nhiên rồi bước đến bóp nhẹ vai Hân:
- Con ổn chứ?
Một điều vụt qua rất nhanh. Hân định thần, nhặt cây bút chì lên:
- Vâng, con ổn!
Duy lặng lẽ đưa cho Hân cây chì mình đang dùng, lấy nhanh dường như giật phắt cây bị gãy và lúi húi đứng lên đi tìm con dao gọt. Hân lúng túng "cảm ơn". Cậu nói nhỏ, đôi khi không cần chuyện gì cũng phải theo khuôn phép, cảm ơn và xin lỗi. Sau đó Duy nhận ra đây cũng không phải là một câu trao đổi thông thường.
Thầy đã đi ra sau từ lúc nào, lạch cạch tiếng ông bắc nước pha trà.
Khi Duy siết thắng thật nhẹ cạnh bên Hân đang thả hồn đếm gạch trên vỉa hè, cô bạn tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Mình đưa Hân về! Mùa đông ngày nào chả lạnh và vắng!
Thoáng ngạc nhiên, Hân toan từ chối nhưng không hiểu sao lại gật đầu. Nếu Hân có thể tặng Duy một chiếc khăn thì tại sao cậu ấy không thể làm một việc đơn giản là đưa Hân về.
- Cậu đưa bản vẽ đây! – Duy nói rồi lấy bảng vẽ trên tay Hân đang khư khư trước ngực đặt vào giỏ xe, bên cạnh cái bọc đặt chiếc khăn len. Chiếc xe trôi lặng lẽ dưới những hàng cây mùa đông. Vẫn không ai nói gì.
Ngã tư, Duy dừng xe. Hân cảm ơn và đi nhanh vào ngôi nhà cũ kỹ tạm bợ, vẫn không khác lần trước. Duy đi được một đoạn với những suy nghĩ miên man về cô bạn gầy guộc thì nhận ra Hân quên chưa lấy bảng vẽ. Cậu quay đầu lại, đạp mải miết. Nhưng Duy sững lại khi Hân bước từ bên kia đường, dáng đi tất tả vội vàng. Cô bạn nhấn chuông căn biệt thự sang trọng. Có một người ra mở cổng, đợi đến khi Hân vào khuất mới lục tục khóa lại. Hân bé nhỏ đến chơi vơi, lọt thỏm vào cái khung tranh là cánh cửa lớn bằng gỗ chạm khắc tinh xảo. Bàn chân chống xuống đường của Duy tê dại. Cô là con gái của ông chủ đại lý phân phối xe máy Đại Phát lớn nhất thành phố. Ông ta sắp sửa li dị vợ vì một cô gái trẻ đẹp chỉ hơn con gái ông ta vài tuổi. Bà vợ để trả thù cũng lao vào ăn chơi, đôt tiền trong các sân tennis, vũ trường với những gã trai trẻ sống đồng bóng thích dựa dẫm. Thành phố nhỏ, những vụ ăn chơi trác táng và chuyện tình cảm nhập nhằng của vợ chồng ông Đại Phát được người ta truyền miệng như một thí dụ sinh động cho "những thảm họa bắt nguồn từ tiền bạc". Có lẽ Hân giấu Duy và thầy vì điều đó.
Cậu bé 17 tuổi quay lại phòng tranh của ông họa sĩ già, nhạc nhiên và hụt hẫng. Duy tự dày vò mình không quan tâm đến cô bạn nhỏ bé, gầy guộc và câm lặng kia một cách đúng mức, sau hơn một năm trời biết nhau. Điều đó pha trộn với những cảm xúc mới mẻ bắt đầu xuất hiện trong lòng Duy thành một đống hỗn độn không thể nào đối mặt. Ông họa sĩ già gỡ kính, vuốt mặt. Đôi mắt ông đỏ kè:
- Tội nghiệp con bé.
Hai cốc trà trên bàn đầy nguyên.
***
Duy chưa bao giờ dùng chiếc khăn len Hân tặng. Cậu treo nó lên móc, ngắm nghĩa một lát và cất cẩn thận vào tủ. Thầy Toàn, một tu sĩ trẻ thân thiết với Duy bắt gặp khi vào phòng Duy chơi sau giờ kinh tối.
- Của một cô bé? – Giọng Bắc trầm ấm và đôi mắt thầy nheo nheo dò hỏi
Duy ngượng ngùng, tay cứ xoắn mãi vào nhau.
- Trước khi đến với Chúa, thầy cũng là một cậu trai 17 tuổi, nhóc ạ! – Thầy bật cười – Trời lạnh, mà khăn quàng ngươi ta tặng thì không phải để ngắm nhỉ!
Rồi ông quay sang những bức vẽ Duy bày bừa trên bàn, hỏi Duy về chuyện thi Đại học Mỹ thuật. Cậu nói một cách say mê về một công ty quảng cáo sau này. Thầy gỡ kính lau thật kĩ.
- Các cha dòng đã quyết định sáng suốt. Chúa không gọi con!
Duy im lặng, mỉm cười hơi buồn, nhưng khẳng định một sự thật.
Khi Duy dắt xe ra cổng, thầy Toàn đang tỉa cây. Ông mỉm cười khi nhìn thấy chiếc khăn màu café quấn quanh cổ Duy, trông rất hợp với chiếc áo len trắng
-Ấm nhỉ!
Duy nhe răng cười, chào thầy rồi leo lên xe phóng nhanh. Tiếng ông lắc đầu gọi với theo:
- Cái thằng, chầm chậm thôi!
Duy bước nhẹ vào căn phòng quen thuộc, hơi ngượng ngùng với cái khăn Hân tặng trên cổ. Cô bé ngước lên nhìn, mắt ngơ ngác, vô hồn, khẽ gật đầu chào rồi lại cuối xuống vẽ. Một phản ứng không mong đợi. Nhưng Duy không quan tâm lắm khi nhận ra đôi mắt Hân hoe đỏ. Cậu lẩn xuống nhà dưới, đứng cạnh ông thầy đang lập cập pha trà bằng bàn tay run rẩy và không tập trung:
- Nó đã khóc và kể cho thầy nghe mọi chuyện. Thầy không biết nói gì.
Duy bước lên, kéo ghế ngồi xuống bắt đầu công việc quen thuộc. Cậu len lén liếc sang Hân, cô bé dường như vẫn đang thổn thức. Bài vẽ đầy những lỗi cơ bản, và cây bút chì như không ai điều khiển dưới tay Hân. Nó chạy lung tung và để lại những đường hằn đậm đen.
- Hân à, sẽ ổn thôi! – Thầy tần ngần nói khi Hân xin về sớm
- Vâng, con về!
Cô bé gật đầu, co ro đi ra rồi khuất dạng sau mép tường gỗ cũ kĩ. Gió to và lạnh. Hân sẽ bị cuốn bay đi mất thôi. Duy thảng thốt đứng bật dậy, quẳng bảng vẽ xuống kệ
- Thưa thầy, con....
Ông nhìn Duy hiền từ, không cần đợi Duy nói hết câu:
- Ừ, đi đi!
Thằng bé 17 tuổi lao ra ngoài cửa như một cơn lốc mạnh
Hân vẫn đếm gạch. Bờ vai nhỏ run rẩy trong mỗi cơn gió. Cô bé hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy Duy chạy bộ theo sau. Duy nhìn xuống vỉa hè:
- Mình sẽ đưa bạn về. Đường mùa đông mà!
Hân không trả lời, bước chậm rãi. Cậu im lặng đi bên cạnh.
- Mình không nghĩ là chiếc khăn hợp vói màu áo len của cậu như vậy! – cô bé chợt nói.
- Hả...ơ...ừ... – Duy giật mình.
Hân vẫn điềm nhiên bước chầm chậm. Hàng cây mùa đông trơ trụi và oằn mình trong gió. Duy hít một hơi dài, nhìn thẳng cô bạn:
- Hân, mình nắm tay cậu, được không?
Cô bé ngước lên, ngẩn ngơ, đôi mắt vẫn còn một quầng sũng nước.
Ông họa sĩ già đang đứng nhìn theo mỉm cười. Và trong một phút giây, ông lặng người tự hỏi không biết trong mấy chục năm một mình tìm kiếm những thanh thản còn lại trong cuộc đời này và thể hiện chúng qua những bức tranh, có bao giờ ông vẽ được cái gì trong trẻo thế. Hai đứa trẻ nắm tay nhau đi dưới hàng cây mùa đông và cao hơn là bầu trời màu chì buồn bã, mặc kệ gió lồng lộng thét gào. Cái nắm tay ấm áp làm tan chảy những nỗi niềm tưởng chừng như đóng băng vĩnh viễn trong lòng, chỉ để lại một cảm giác dịu dàng, ấm áp và rất đỗi bình yên
Chúng 17.
Nguyễn Thiên Ngân