Có mất đi đâu...

Có mất đi đâu...

Tác giả: Sưu Tầm

Có mất đi đâu...

(Admin - "Rồi sẽ qua hết, phải không?")


Đã từ lâu, tôi không còn tắt điện thoại nữa.


***


Năm thứ 3 Đại học, tôi quen nó qua hội đồng hương của trường.


Tôi – một kẻ nhàm chán và đơn điệu, không biết làm gì khác ngoài việc ngày ngày lên trường rồi sau đó về nhà vùi đầu vào máy tính hoặc mấy cuốn truyện dày cộp.


Nó – một kẻ sôi nổi và phá phách, không biết làm gì khác ngoài việc bỏ học và lượn lờ.


Tôi với nó, không thân thiết cũng chẳng xa lạ. Tôi với nó, không đồng điệu cũng không lạc nhịp.


Có mất đi đâu...


Lần nào gặp tôi, nó cũng nhìn từ đầu xuống chân rồi phán một câu: Nhìn mày như cụ già, tuột hết cả cảm xúc ăn chơi của tao.


Lần nào gặp nó, tôi cũng nhìn từ chân lên đầu rồi phán một câu: Còn mày như con vẹt.


Nó ham chơi, nhưng nó không yêu đời. Tôi không ham chơi, nhưng tôi không chán đời. Có lần, ngồi ở quán trà đá ven đường, nó vừa cắn hướng dương tanh tách vừa hỏi tôi:


- Nếu chết, mày nghĩ sẽ chết thế nào?


- Chưa bao giờ nghĩ, việc quái gì phải nghĩ.


- Thì bây giờ nghĩ – nó chống cằm nhìn tôi chờ đợi câu trả lời. Nó là thế, nếu nó đặt ra câu hỏi thì không ai được phép trốn tránh câu trả lời.


- Ngủ, chết trong lúc ngủ. Tao nghe các cụ bảo thế là sướng nhất.


Nó bật cười nhìn tôi:


- Mày đúng là đứa lười toàn tập. Thế nếu sống, mày sẽ sống như thế nào?


- Tao vẫn đang sống mà.


- Không, mày chỉ chưa chết thôi. Sống như mày chán lắm – nó lắc đầu nhìn tôi ngao ngán và thương cảm như thể tôi là kẻ đang mang căn bệnh nan y chờ ngày khai tử vậy.


Đến lượt tôi bật cười:


- Sống như mày thì không chán chắc.


Lần này, cả hai đứa đều cười.


Một tuần sau, tôi mới gặp lại nó. Nhìn thấy tôi, nó toe toét:


- Hôm trước tao thử uống thuốc ngủ.


- Làm gì? – tôi trợn tròn mắt hỏi


- Mày hỏi ngu thế. Để ngủ chứ làm gì – nó nhìn tôi như vật thể lạ.


- Ngủ luôn hay ngủ có thời hạn? – tôi vẫn ngây ngô hỏi nó.


- Định ngủ luôn – nó cười.


- Thế sao còn đứng đây? – lần này đến lượt tôi cười. Nó chợt hiểu ra nó bị tôi cho vào tròng từ nãy tới giờ.


- Mày đúng là đồ bạn đểu.


- Lâu lắm mới khen nhau được một câu – tôi nhìn nó hầm hầm cái mặt mà cố nín để không bật cười ha hả ngay giữa sân trường.


Tôi và nó, không yêu cũng không ghét, không nhớ cũng không quên. Tôi và nó, có tuần gặp vài lần, có khi vài tháng không thấy mặt. Không nắm chặt, cũng không từ bỏ. Thích thì đến, chán thì đi, thích lại đến. Những câu chuyện không cần đầu, cũng không có cuối.


Chiều chủ nhật, lang thang vào một ngôi chùa.


- Ê, mày không cúng vái cầu khẩn gì à?


- Một ngày có cả triệu người xin với cầu, đức Phật nào mà phê duyệt cho nổi.


- Đồ vô thần vô thánh – nó vẫn thường nói tôi như thế. Nó bảo:


- Người như mày chẳng có lấy một chỗ dù là mơ hồ nhất để đặt niềm tin, chán chết.


- Uh, thế tao hỏi mày, ai cũng đến đây xin tiền tài hay sức khỏe, hạnh phúc cả. Nếu ai đức Phật cũng cho thì bây giờ đã chẳng còn ai phải đến cầu xin nữa, phải không?


- Thì ít ra mày cũng phải hỏi thăm Ngài có khỏe không chứ - nó nhìn tôi, ánh mắt có chút bối rối.


- Thế mày có thực sự muốn biết câu trả lời không? – tôi nhìn thẳng vào mắt nó.


- Tao cũng chả biết nữa – lần này thì nó bối rối thực sự.


- Đừng bao giờ đặt ra những câu hỏi mà mày không thực sự muốn biết câu trả lời – tôi thở dài. Tôi đang nói với nó hay nói với chính tôi, tôi cũng không biết nữa.


Nó gọi tôi í ới, cười toe toét. Nó quên đi cái mớ triết lý ngớ ngẩn của tôi rất nhanh và tôi cũng thế. Nó đưa cái tranh có in 14 điều răn của Phật lên đưa cho tôi:


- Mua tặng tao đi.


- Ừ, cái này thì được.


- Tao tưởng mày vô thần vô thánh chứ - nó nhìn tôi cười ẩn ý


- Tao có bao giờ phủ nhận giáo lý của các tôn giáo đâu, tao chỉ không thích việc cầu khấn xin xỏ thôi. Có lần, đức Phật đã đưa ngón tay chỉ lên mặt trăng mà nói với các đệ tử rằng: Nhìn theo ngón tay của ta các người sẽ thấy ánh trăng, nhưng ngón tay của ta không phải là ánh trăng. Đi theo lời nói của ta các người sẽ thấy đạo, nhưng lời của ta không phải là đạo.


- Sao mày biết? – nó tròn mắt nhìn tôi


- Tao đọc – tôi đáp tỉnh bơ, có phần đắc ý vì "sự hiểu biết" của mình


Nhưng đáp lại cái vẻ đắc chí ấy của tôi, nó chỉ hỏi thêm đúng một câu:


- Mày đọc cái đấy để làm gì?


Lần này thì đến lượt tôi bối rối. Ừ nhỉ, tôi đọc cái đấy để làm gì, chính tôi cũng không biết. Tôi đáp rất thật:


- Tao cũng không biết nữa.


Nó nghe câu trả lời, hài lòng chạy đi. Tôi không biết nó hài lòng vì cái gì.


Nó là thế, rất hay đặt ra những câu hỏi mà tôi không biết phải trả lời thế nào. Nhưng tôi lại không được phép trốn tránh câu trả lời. Một lần ngồi trong quán ốc, nó bảo:


- Mày nghĩ người điên có sướng không?


- Tao không biết, tao đâu có điên.


- Sao mày biết mày không điên?


- Thì tao thấy tao tỉnh.


- Nhưng có ai điên mà nghĩ mình điên đâu. Trong khi khối người tỉnh lại cứ nhận mình điên.


- Thế mày điên hay tỉnh?


- Tao cũng không biết nữa. Thế theo mày tao điên hay tỉnh?


- Cái đấy thì tao không biết, nhưng nếu mày cứ điên với tỉnh thêm một lúc nữa thì khéo tao điên thật đấy.


- Đâu có dễ thế, dễ thế thì trại tâm thần đã toàn người tỉnh – nó cười nhìn tôi.


Ừ, thì xã hội đa phần cho mình là tỉnh nên trại tâm thần toàn những người bị cho là điên. Nếu xã hội đa phần cho mình là điên thì trại tâm thần sẽ toàn người tỉnh. Nó là thế, luôn nhìn hai mặt của vấn đề.


Nó đến chỗ tôi chơi. Tôi cắm mặt vào cái máy tính viết nốt câu chuyện còn dang dở. Tôi có sở thích ngồi viết linh tinh những khi rảnh rỗi hoặc căng thẳng. Những câu chuyện bật chợt hiện lên trong đầu, không có mở màn cũng không có đoạn kết. Đã từ lâu lắm rồi, những câu văn của tôi chẳng còn nhẹ nhàng, sâu lắng được nữa. Chúng ồn ào và cay đắng đến khó thở. Nó liếc qua màn hình máy tính, thở dài:


- Sao không viết cái gì dễ chịu hơn, sao lúc nào cũng như ăn ớt ấy.


Tôi chỉ cười. Nó làm sao mà biết được, cũng có một thời những câu văn của tôi nhẹ nhàng và trong trẻo, tràn đầy lạc quan và yêu đời da diết. Cũng có một thời, những áng mây buổi chiều làm tôi mơ tưởng tới một vùng đất xa xôi của các thiên thần chứ không phải liên tưởng tới cái chết trôi của một kiếp đời cô độc. Cũng có một thời, tôi miêu tả ánh mặt trời huy hoàng và ấm áp chứ không phải bỏng rát và chói mắt. Cũng có một thời, tôi tưởng tượng về ánh nắng ấm áp của mùa xuân chứ không phải vùng núi giá băng nơi cái rét thấu xương thấu thịt.


Ấy là khi tôi chưa nhìn thấy người ăn xin ngủ co ro giữa buổi chiều đầy mây và gió. Ấy là khi tôi chưa thấy người công nhân mồ hôi nhễ nhại vác bao xi măng nặng trịch trên những công trình giữa trưa hè nóng bức. Ấy là khi tôi chưa thấy những người chỉ mặc độc một bộ áo mỏng manh giữa cái rét thấu tận tim phổi. Ấy là khi tôi mới ngắm chứ chưa được nhìn tận mắt cuộc đời.


Nó lúc nào cũng suy nghĩ rất đơn giản hoặc luôn cố gắng đơn giản hoá mọi thứ. Khẩu hiệu của nó là: "Thích thì nhích, không thì next, suy nghĩ làm gì nhiều cho mệt". Nó nói nó chúa ghét mấy kiểu sướt mướt lằng nhằng, cứ dở dấm dở mẻ, dở ông dở thằng. Thế nhưng, cũng giống như rất nhiều người khác, nó thích xem phim Hàn. Mà phim Hàn lại là nơi tổng hợp tất cả những cái kiểu mà nó ghét.


Nó không thích cách viết của tôi bởi với nó mọi câu chuyện đều phải có hồi kết và mọi cái kết đều phải có hậu. Tôi chỉ cười. Các nhà làm phim Hàn vẫn luôn nhân từ và dễ mến hơn tạo hóa. Tôi chẳng bao giờ tranh luận với nó về điều đó. Bởi một lẽ đơn giản, tôi chẳng biết khi nào là đoạn kết của một câu chuyện.


Ngồi chán, nó bảo tôi:


- Tả người cho tao nghe đi.


- Mồm ngang, mũi dọc, mắt mọc hai bên, hai tay hai chân, dáng đứng thẳng – tôi vẫn cắm mặt vào máy tính.


- Tả lại đi, đàng hoàng vào – nó trừng mắt nhìn tôi.


- Cuộc đời con người khổ nhất là phải ăn và uống. 70% cơ thể con người là nước, 30% còn lại là xương, thịt và những thứ linh tinh khác mà có đem ra xào nấu thì hoàn toàn có thể ăn được. Ngay đến bộ não – cái cơ quan điều khiển mọi hoạt động của con người cũng chỉ là một đống bầy nhầy và nhão nhoét.


- Mày lảm nhảm cái gì thế hả? Tao bảo mày tả người cơ mà.


- Thì từ nãy tới giờ tao có tả con khác đâu – tôi ngơ ngác nhìn nó.


- Thôi được rồi, tả cái nhà cho tao nghe.


- Nhà là nơi để ở. Nơi nào ở được, nơi ấy gọi là nhà.


- Tả nghiêm túc, đàng hoàng, chi tiết, cụ thể.


- Xét về mặt cấu trúc cơ bản, nhà bao gồm một cái nền, một cái mái, thứ nối nền với mái gọi là tường. Để vào hoặc ra khỏi kết cấu đó có một tấm bằng gỗ hoặc tre hoặc sắt được cố định với tường có thể mở ra khép vào được gọi là cửa chính, ngoài ra có thể có một hoặc hai cửa phụ được gọi là cửa sổ. Trong cái hộp ấy có người ở hoặc không có người ở, có thể có một người hoặc nhiều người liên kết với nhau bằng mối quan hệ huyết thống hoặc tình cảm, vật chất hoặc bổn phận, thói quen hoặc nhu cầu,....


Nó không nói không rằng, khuôn mặt hầm hầm đứng phắt dậy.


- Đi đâu đấy?


- Đi kiếm dây thừng.


- Làm gì?


- Treo cổ mày lên chứ làm gì – nó gần như hét vào tai tôi.


Tôi chỉ cười. Tôi đã tả theo đúng yêu cầu của nó, sao nó lại nổi khùng lên nhỉ. Thôi kệ, nó không hài lòng là việc của nó. Cuộc đời tôi sinh ra không phải là để làm cho ai đó hài lòng.


Nó nằm dài ra ngủ. Một lúc sau, tôi lăn ra ngủ nốt. Ngủ dậy, một mùi thơm đã lan khắp căn phòng. Nó nhìn tôi quát ầm ĩ:


- Nhà mày toàn vỏ mì tôm, sống thế mà sống được.


Tôi không phải là không biết nấu ăn, nhưng tôi lười. Nó không nấu ngon hơn tôi, nhưng nó chăm hơn tôi.


Tôi đi ra ngoài, nắng thì quên mũ, lạnh thì quên khăn, quên khẩu trang, quên bao tay, đi ra khỏi nhà kiểu gì cũng phải vòng về vì quên một cái gì đấy. Mùa hè, nó nhăn nhó nhìn tôi rồi chụp cái mũ đã chuẩn bị sẵn lên đầu tôi, không quen kèm câu cằn nhằn:


- Cái đầu mà không dính với cái cổ, không biết bây giờ mày vứt nó ở đâu rồi.


Cái tính hay quên khiến tôi đã lập kỷ lục: vứt đi gần chục cái mũ trong một năm hồi cấpI. Và mẹ tôi đã quyết định tôi phải đội nón. Đến tận giờ tôi vẫn không hiểu mẹ tôi thấy niềm hy vọng nào ở cái việc tôi sẽ không quên nón. Trong khi với tôi, hai cái đó chẳng có gì khác biệt. Nó thường thở dài mà rằng:


- Đến một ngày, mày cũng sẽ bỏ quên tao ở một nơi nào đấy mất thôi.


- Tao không dám khẳng định luôn nhớ, nhưng tao chắc chắn sẽ không quên.


Nó nhìn tôi cười tin tưởng.


Sau khi ra trường, tôi ở lại Hà Nội còn nó về quê làm việc. Tôi cứ mải mê với những tháng ngày nơi xứ lạ, chẳng bận tâm cũng không chút lo sợ một ngày sẽ không còn thấy nó. Bởi tôi luôn tin, một niềm tin sắt đá rằng tình bạn vẫn ở đó, có mất đi đâu mà sợ.


Tôi vẫn nhớ về nó, nhưng thỉnh thoảng nhắn tin hay gọi điện chứ cũng không thể gặp mặt thường xuyên vì hai đứa ở cách xa nhau quá. Khoảng cách địa lý luôn là một rào cản không thể xóa nhòa và chối bỏ. Tôi cũng giống như nó, mải miết với những mối quan hệ, những cuộc gặp gỡ, những người bạn mới. Người quen càng nhiều thì thời gian càng ít, không đủ để phân chia cho tất cả.


Mỗi lần nó hỏi tôi có về chơi được không, lâu lắm rồi hai đứa không gặp mặt, tôi lại nói "tao sẽ cố gắng sắp xếp, dạo này bận quá". Nó cười hiền, chỉ nhắn tôi giữ gìn sức khỏe. Cái điệp khúc vô tình và quen thuộc khiến tôi chẳng còn mấy bận tâm. Tôi vẫn yêu quý nó, nhưng tình yêu đó được cất kỹ vào một góc trong tim, chẳng mấy khi tôi lôi ra nhìn ngắm.


Rồi thời gian cứ thế trôi....Những cuộc điện thoại thưa dần, những tin nhắn ít dần. Đôi khi tôi nhớ nó nhưng khi tôi gọi thì nó bận, nó gọi thì tôi lại bận, những tin nhắn cũng dần trở nên ngượng ngùng và nhạt nhẽo khi cả hai không biết nói gì.


Thứ bảy, tôi mệt mỏi tắt máy sau khi đã hoàn thành công việc còn dang dở. Tôi muốn có một ngày chủ nhật hoàn toàn yên tĩnh. Tôi muốn ngủ một giấc cho thật thoải mái và quên hết mọi thứ xung quanh.


Sau giấc ngủ dài, tôi mệt mỏi tỉnh giấc. Bây giờ là 9 giờ tối, tức là tôi đã ngủ được hơn mười tiếng. Tôi cầm chiếc điện thoại và khởi động lại máy. 8 cuộc gọi nhỡ, 2 tin nhắn.


Tin nhắn thứ nhất: "Vy chết rồi. m có về không!"


Tin nhắn thứ hai: "10h xe chạy, đi thì gọi lại cho t"


Tôi run run bấm gọi lại, đầu dây bên kia đứa bạn nói như hét:


- Mày chết ở đâu thế hả? 10h xe chạy, mày có về không?


Tay tôi vẫn nắm chặt điện thoại. Bỗng tôi thấy tôi đang ngồi ở đó, mắt dán chặt vào màn hình vi tính, tay cầm điện thoại. Đầu dây bên kia, nó hỏi:


- Lâu lắm không gặp, mày có về được không?


- Tao sẽ cố gắng sắp xếp, dạo này bận quá! - mắt tôi vẫn không rời màn hình vi tính...


- Ừ, cố gắng giữ gìn sức khỏe, khi nào rảnh thì về chơi với tao nhé.


Tai tôi ù đi, đầu óc chao đảo, tôi ôm đầu lao ra khỏi phòng.


Tôi giật mình tỉnh giấc, mồ hôi túa ra như tắm. Hóa ra vừa rồi chỉ là một giấc mơ. Tôi thở hổn hển, lo sợ tìm chiếc điện thoại. Bây giờ là 9 giờ tối, tức là tôi đã ngủ hơn 10 tiếng. Không có cuộc gọi nhỡ nào. Tôi mệt mỏi đi vào nhà tắm, cắm mặt vào chậu nước lắc thật mạnh cho tỉnh ngủ. Điện thoại báo có tin nhắn đến.


Tin nhắn thứ nhất: Mai là ngày giỗ đầu của Vy, m có về được không?


Tin nhắn thứ hai: 10h xe chạy, đi được thì báo lại cho t nhé.


Đã từ lâu, tôi không còn tắt điện thoại nữa.


 Hà Phạm

2hi.us